Các bác sĩ da liễu làm việc 4 ngày một tuần, thu nhập nửa triệu USD (12 tỷ) mỗi năm, cao gấp đôi so với các đồng nghiệp trong lĩnh vực khác.
Lịch làm việc 4 ngày một tuần, mức lương gấp đôi một số đồng nghiệp khác và không phải trả lời email vào ban đêm, đây là một vài “đặc quyền của” các bác sĩ da liễu – công việc được coi là “đáng mơ ước nhất” trong ngành y. Vì các lợi thế đó, ngày càng nhiều sinh viên nỗ lực cho vị trí bác sĩ nội trú của chuyên ngành này.
“Sự cạnh tranh rất khốc liệt”, Lindsey Zubritsky, bác sĩ da liễu ở Ocean Springs cho biết. Cô đã hoàn thành chương trình nội trú năm 2018, đang cân đối giữa công việc điều trị lâm sàng và làm nội dung y khoa trên mạng xã hội. Tài khoản Tiktok của cô có hơn 3 triệu người theo dõi.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Cao đẳng Y khoa Mỹ, số đơn xin học bác sĩ nội trú chuyên ngành da liễu đã tăng 50% trong 5 năm qua, phần đông là phụ nữ. Thế hệ bác sĩ trẻ tuổi mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong khi đó, những chuyên khoa áp lực cao như phẫu thuật tim, hồi sức ít đáp ứng được nhu cầu này.
“Đây là một trong số ít chuyên ngành mà bạn có thể làm việc 40 giờ một tuần như người bình thường”, Zubritsky cho biết. Nữ bác sĩ đã 36 tuổi, có hai con và thường khám bệnh từ 8h sáng đến 4h chiều, ba ngày một tuần.
Theo cuộc khảo sát gần đây trên hơn 150.000 bác sĩ Mỹ do Hiệp hội Quản lý Y tế thực hiện, các bác sĩ da liễu kiếm trung bình 541.000 USD một năm. Ngược lại, thu nhập của bác sĩ nhi khoa là 258.000 USD mỗi năm.
Do các trường hợp cấp cứu về da không xảy ra thường xuyên, rất ít bác sĩ da liễu phải trực đêm và cuối tuần. Lịch trình truyền thống và giờ làm việc linh hoạt đang thu hút nhiều phụ nữ vào lĩnh vực này hơn. Theo Chương trình Nội trú Quốc gia, 71% ứng viên lựa chọn da liễu khi đăng ký nội trú năm nay là phụ nữ, tăng từ 63% hai năm trước.
Sự bùng nổ của ngành chăm sóc da và cả mạng xã hội góp phần tạo nên sức hút cho lĩnh vực này. Các bác sĩ da liễu xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng truyền thông số, khiến nhiều sinh viên mơ ước được ở vị trí tương tự. Một số người kiếm tới 30.000 USD cho mỗi bài đăng được tài trợ để quảng bá các sản phẩm chăm sóc da từ nhiều thương hiệu khác nhau.
“Cộng đồng giờ đây đã nhận thức rõ hơn về lĩnh vực của chúng tôi”, tiến sĩ Shereene Idriss, 40 tuổi, bác sĩ da liễu sở hữu phòng khám thẩm mỹ ở Thành phố New York nói.
Tại phòng khám của Idriss, bệnh nhân sẵn sàng bỏ 550 USD cho các buổi trị liệu lăn kim, liệu pháp laser và tiêm filler; hoặc chi 4.000 USD để làm đều màu da, mịn da, giảm nếp nhăn. Các thủ thuật này kéo dài từ 20 phút đến một giờ. Idriss từ chối tiết lộ số tiền cô kiếm được, song cho biết chi phí phụ thuộc vào mức độ hiệu quả.
Thực tế, công việc của các bác sĩ da liễu thời kỳ đầu không hề hào nhoáng. Họ thường phải điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, gồm cả giang mai, tiến sĩ Donna Stockton, một bác sĩ da liễu 65 tuổi ở Chicago, cho biết. Trong thời gian làm bác sĩ nội trú ở thành phố New York vào cuối những năm 1980, Stockton tiếp xúc nhiều với những bệnh nhân bị phát ban da do HIV.
Lĩnh vực này bắt đầu thu hút nhiều người hơn kể từ năm 2002, khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt liệu pháp tiêm botox để giảm nếp nhăn ở trán, Stockton nói. Bà đã chọn da liễu vì thích cảm giác có thể xử lý một cơ quan duy nhất – da. Bà cho biết các bác sĩ nội trú mà làm việc cùng bà trong những năm gần đây quan tâm nhiều đến chi phí dành cho thủ thuật này.
Theo tiến sĩ Mary Alice Mina, bác sĩ da liễu chuyên về ung thư da, nhiều đồng nghiệp của bà kiêm nhiệm hai chuyên môn, vừa điều trị y tế, vừa thẩm mỹ. Bà nhận định, thẩm mỹ không phải con đường duy nhất khiến nguồn thu của bác sĩ da liễu cao hơn các ngành nghề khác. Một người làm việc trong lĩnh vực này có thể khám tới 60 bệnh nhân mỗi ngày. Trong khi đó, các khách hàng trả tiền để làm thẩm mỹ đòi hỏi bác sĩ đầu tư nhiều thời gian và chăm sóc tận tình hơn.
“Bắt đầu sự nghiệp với tư duy sẽ làm luân phiên giữa thẩm mỹ và điều trị là một quan niệm sai lầm. Các khách hàng thẩm mỹ muốn được sự quan tâm cá nhân và chăm sóc riêng”, tiến sĩ Mina nói.
Trước đây, da liễu thường là một ngành không được đề cao. Tuy nhiên, tiến sĩ Jane Grant-Kels, 74 tuổi, phó chủ tịch khoa da liễu tại UConn Health, cho rằng không thể bác bỏ tầm quan trọng của nó trong y học. Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất ở Mỹ. Các bác sĩ da liễu cũng thường là người phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh mạn tính và khối u.
Thành lập khoa da liễu gần 50 năm, tiến sĩ Grant-Kels tận mắt chứng kiến sự bùng nổ của lĩnh vực này qua thời gian. Gần đây, khoa của bà nhận hơn 600 đơn đăng ký cho 4 vị trí bác sĩ nội trú.
“Hồ sơ của họ cực kỳ ấn tượng. Một số người đã nghỉ một năm sau khi tốt nghiệp y khoa chỉ để tập trung vào nghiên cứu da liễu, tạo lợi thế cho bản thân”, bà nói.
Người trong ngành cho biết, công việc của bác sĩ da liễu đem đến sự hài lòng gần như ngay tức khắc cho bệnh nhân. Tác dụng chăm sóc nhanh hơn rất nhiều so với lĩnh vực khác. Tiến sĩ Jules Lipoff, bác sĩ ở Philadelphia, cho biết bệnh nhân da liễu thường có thể thấy trực tiếp các vấn đề về da của họ và có động lực để giải quyết chúng.