Chiều 15/11, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước.
Từ 251 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2024, Bộ GD&ĐT đã chọn được 40 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước được gặp mặt Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, còn có 20 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu. Ảnh: Nhật Bắc |
Buổi gặp mặt, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với nhà giáo nói riêng và sự nghệp giáo dục, đào tạo nói chung.
Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho các thầy, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc; đồng thời, thể hiện sự trân trọng, tri ân và tôn vinh nhà giáo, nghề giáo trong sự nghiệp “trồng người”.
Phát biểu mở đầu cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là sự kiện thường niên tốt đẹp, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Năm nay là năm thứ 4, Thủ tướng tiếp tục duy trì và dành thời gian cho sự kiện này. Đây thực sự là nguồn cổ vũ, quan tâm, động viên rất lớn của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành giáo dục nói chung và với lực lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng.
Bộ trưởng cho biết, đến nay, tính cả khối công lập và ngoài công lập, trên cả nước hiện có 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, và đại học.
So với năm học 2022-2023, số lượng giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông tăng thêm 17.000 giáo viên. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giảm hơn 700 người.
Đây cũng là năm học các địa phương tích cực tổ chức tuyển dụng giáo viên, đồng thời thực hiện việc tinh giản, thu gọn đầu mối giảm số lượng cán bộ quản lý và đội ngũ nhân viên trường học.
Cùng với đó, năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, cơ bản thích nghi được với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Nhật Bắc |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng GD&ĐT, bên cạnh các thách thức đã có, thì một trong những thách thức lớn nhất của giai đoạn này là tạo ra hành lang pháp lý đảm bảo vai trò, vị thế, quyền lợi của nhà giáo, đặc biệt phát triển nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước trong giai đoạn mới.
Nhận thức sâu sắc về các thách thức phát triển lực lượng nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã xác định rõ các việc ngắn hạn và dài hạn cần thực hiện. Ông Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có.
Từ đó, Bộ sẽ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2024-2025 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Trung ương.
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức tuyển dụng đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các cấp học…