Việc 160 bằng đại học bất hợp pháp, được cấp từ Trường Đại học Kinh Bắc đang làm xôn xao dư luận là chuyện thật nhưng nghe cứ như đùa.
Trường Đại học Kinh Bắc – một đại học tư thục trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh – vừa phát ra thông báo trên website chính thức của nhà trường, khuyến cáo về việc 160 văn bằng tốt nghiệp đại học của sinh viên do ông Phạm Ngọc Trúc ký, cấp ngày 2.11 không đúng thẩm quyền nên đây là bằng bất hợp pháp.
Đồng thời, khuyến cáo các nhà tuyển dụng, sinh viên đã được nhận những văn bằng tốt nghiệp trên để tránh những rủi ro và hậu quả pháp lý xấu sẽ xảy ra do người ký, cấp không đúng thẩm quyền và có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Theo Trường Đại học Kinh Bắc, ông Phạm Ngọc Trúc được bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, lấy danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh Bắc để bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng không đúng quy định, không đúng thủ tục của pháp luật nên không có thẩm quyền ký, cấp bằng tốt nghiệp.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trong văn bản gửi Đại học Kinh Bắc ngày 29.10 đã chỉ ra trường này có nhiều quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm không đúng quy định.
Trong văn bản này, Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu các cá nhân được bổ nhiệm, giao nhiệm vụ của Trường Đại học Kinh Bắc không được thực hiện nhiệm vụ theo quyết định bổ nhiệm, giao nhiệm vụ không đúng quy định của pháp luật.
Tuy vậy, việc ký và cấp bằng bất hợp pháp vẫn cứ diễn ra, với 160 bằng đại học!
Đây là một chuyện thật như đùa, khi bằng cấp đại học, vốn là biểu tượng của sự cống hiến và nỗ lực học tập, lại có thể được ký bởi những người không có đủ thẩm quyền chỉ vì những toan tính cá nhân.
Việc ông Phạm Ngọc Trúc ký cấp 160 bằng đại học bất hợp pháp không chỉ là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người học mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của Trường Đại học Kinh Bắc, của cả ngành Giáo dục và gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Vẫn biết tới đây, số bằng được cấp bất hợp pháp này, Trường Đại học Kinh Bắc có thể làm thủ tục thu hồi, hủy bỏ rồi cấp lại cho hợp pháp. Đây là điều đương nhiên phải làm để trả lại quyền lợi hợp pháp cho 160 sinh viên.
Song song với việc thu hồi và cấp lại bằng, lãnh đạo Đại học Kinh Bắc, Bộ GDĐT cùng các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc, ngồi lại với nhau để nghiêm túc chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan và đưa ra biện pháp xử lý nghiêm minh.
Dù có hi hữu, nhưng việc cấp 160 bằng đại học bất hợp pháp, có nguồn gốc từ Trường Đại học Kinh Bắc, cơ quan chức năng không nên đơn giản xem là một sự cố mà là dấu hiệu cho quản lý giáo dục ở các đại học tư thục đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.
Bởi những lùm xùm, đấu đá nội bộ như thế này không chỉ có ở Đại học Kinh Bắc mà còn có ở nhiều trường khác, gần nhất là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, kéo dài về bộ máy tổ chức, nội bộ.
Nhận diện đúng thì cơ quan chức năng mới có giải pháp xử lý phù hợp, vừa chấn chỉnh vừa làm bài học cho nhiều trường khác!
Nguồn: tuổi trẻ