Các chuyên gia cho rằng, việc tạo ra các câu hỏi và bài tập đòi hỏi sự suy nghĩ và lập luận sẽ giúp giảm thiểu việc sử dụng AI một cách gian lận trong các kỳ thi.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng rộng rãi, tạo ra nhiều giá trị tích cực, nhưng việc sử dụng AI không đúng cách, đúng mục đích có thể khiến người sử dụng từ thế chủ động chuyển sang bị động, phụ thuộc.
Trong môi trường giáo dục, AI đang được ứng dụng vào cả công tác quản lý, giảng dạy và học tập của sinh viên.
ThS Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TPHCM đánh giá, AI đã mang đến nhiều thay đổi trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học bây giờ.
Hiện nay, có nhiều nền tảng học trực tuyến như Teams, Meets, Zoom sử dụng AI, cung cấp công cụ giúp sinh viên tự học, theo dõi tiến độ và nhận phản hồi tức thì về kết quả học tập. AI cũng giúp giảng viên quản lý lớp học một cách hiệu quả, từ chấm bài tự động đến phân tích tiến bộ của học viên.
Do đó, trường rất khuyến khích sinh viên sử dụng AI để học tập, tuy nhiên cũng khuyên các em không quá lạm dụng vào AI, đặc biệt nghiêm cấm việc sử dụng AI để gian lận khi thi cử.
“Khi sinh viên làm đề tài nghiên cứu khoa học, đề tài tốt nghiệp hay đề án môn học thì khuyến khích các bạn sử dụng AI để tìm kiếm thông tin và xử lý dữ liệu, chứ không phải khuyến khích dùng để viết bài luận án hoàn toàn bằng AI. Hơn nữa, nếu sinh viên dùng AI, giảng viên cũng sẽ phát hiện bởi câu từ sẽ có khác biệt với người học viết”, ông Sơn nói.
TS Lê Mạnh Hải – Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Gia Định nhận định, AI đang phát triển đột biến.
Ví dụ, hiện nay, sinh viên đang rất thích dùng ứng dụng ChatGPT để làm các bài luận. Điều này khiến trường đang phải quan tâm, đưa ra những giải pháp để chống sinh viên lạm dụng công nghệ trong việc học hành.
“Biện pháp đầu tiên chúng tôi đang áp dụng là việc giáo dục sinh viên, để sinh viên biết AI là sản phẩm do con người làm ra, nó không thể sáng tạo được và muốn sáng tạo thì sinh viên phải mình tự làm ra.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thay đổi trong cách dạy học. Những câu hỏi yêu cầu trả lời đúng sai sẽ không dùng nữa, thay vào đó sẽ là những câu hỏi yêu cầu sinh viên trả lời phải có tư duy logic, đòi hỏi sự biện luận. Cái này AI sẽ không làm được”, TS Lê Mạnh Hải chia sẻ.
Ngoài ra, theo TS Lê Mạnh Hải, quá trình học của sinh viên bây giờ, đòi hỏi những bài tập mang tính sáng tạo nhiều hơn những bài tập mang tính đúng sai, yêu cầu sinh viên phải sinh viên phải suy nghĩ nhiều hơn, tư duy nhiều hơn. Điều này sẽ hạn chế sinh viên lạm dụng AI.
“AI là một thành tựu đáng kể, việc sử dụng AI không hề xấu và việc không sử dụng nó là một sự lãng phí. Tuy nhiên, sinh viên có thể sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc hơn nếu họ lạm dụng AI, mất đi cơ hội để tư duy và phản biện,” TS Lê Mạnh Hải chia sẻ.