Giới nhà giàu thuê thạc sĩ, tiến sĩ đến nhà trông con, lương 105 triệu đồng

Giới nhà giàu Trung Quốc đang chạy theo xu hướng thuê chuyên gia tới nhà giúp họ nuôi con. Đây thường là những phụ huynh giàu có nhưng quá bận rộn, không có đủ thời gian dành cho con.

Nghề “bảo mẫu thượng hạng” 

Giới nhà giàu Trung Quốc hiện có xu hướng thuê những bảo mẫu có học vấn cao, thay họ nuôi dạy con nhỏ. Điều kiện đặt ra là những bảo mẫu này phải tốt nghiệp đại học ở những trường danh tiếng nhất tại Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa; hoặc từng du học nước ngoài tại Đại học Harvard, Đại học Cambridge…

Theo hãng tin Phoenix News (Trung Quốc), mức lương dành cho những “bảo mẫu thượng hạng” dao động trong khoảng từ 10.000 đến 30.000 tệ/tháng (tương đương từ 35 tới 105 triệu đồng/tháng).

Giới nhà giàu thuê thạc sĩ, tiến sĩ đến nhà trông con, lương 105 triệu đồng - 1
“Bảo mẫu thượng hạng” là nghề mới xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của giới nhà giàu tại Trung Quốc (Ảnh minh họa: SCMP).

Những “bảo mẫu thượng hạng” này sẽ chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần và nhu cầu hàng ngày của trẻ. Họ cũng kèm cặp, giúp trẻ học tập.

Hiện tại, giới nhà giàu Trung Quốc đang có nhu cầu lớn trong việc thuê bảo mẫu có học vấn cao. Điều này đã được các đơn vị môi giới việc làm nắm bắt và đáp ứng.

Một nghiên cứu sinh theo học tiến sĩ chuyên ngành tâm lý cho biết, cô đã có kinh nghiệm phỏng vấn hàng trăm ứng viên liên hệ với công ty môi giới để làm “bảo mẫu thượng hạng”.

Những ứng viên này đều tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc, thậm chí từng đi du học. Họ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, thành thạo nhiều ngoại ngữ, biết chơi thể thao và còn có kiến thức về tâm lý trẻ nhỏ.

Không giống như gia sư hay người trông trẻ thông thường, những “bảo mẫu thượng hạng” sẽ tham gia sâu vào cuộc sống hàng ngày của trẻ, để nắm bắt các cảm xúc và nhu cầu của trẻ.

Nhiệm vụ của họ rất đa dạng, đòi hỏi họ có năng lực tương tác với trẻ nhỏ, bởi về cơ bản, họ giống như… cha mẹ thứ hai của đứa trẻ. Khi đứa trẻ ốm, họ có thể sẽ được yêu cầu đưa trẻ đi khám. Họ cũng kiêm luôn cả công việc của gia sư, kèm cặp trẻ học tập. Họ còn cùng đứa trẻ chơi thể thao, đi du lịch…

Những trách nhiệm này vốn thuộc về cha mẹ ruột của đứa trẻ, nhưng vì họ quá bận rộn nên “bảo mẫu thượng hạng” sẽ làm thay. Giờ làm việc của “bảo mẫu thượng hạng” cũng rất linh hoạt, dựa trên thỏa thuận với gia đình của đứa trẻ.

Có những người được thuê làm việc theo giờ, cũng có những người được yêu cầu chuyển tới sống cùng với gia đình để thường xuyên ở bên chăm sóc trẻ.

Có thay thế được cha mẹ không?

Song Siyu là một “bảo mẫu thượng hạng” đang làm việc cho một gia đình sinh sống tại Trùng Khánh. Cô làm việc từ 17h30 tới 20h30 các ngày trong tuần. Siyu có nhiệm vụ dạy những đứa trẻ học bài và chơi thể thao, bao gồm các môn như đá bóng, đấu kiếm, bơi lội…

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), các gia đình triệu phú với khối tài sản từ 10 triệu tệ trở lên đang là nhóm có nhu cầu thuê “bảo mẫu thượng hạng”.

Giới nhà giàu thuê thạc sĩ, tiến sĩ đến nhà trông con, lương 105 triệu đồng - 2
Có những đứa trẻ thân thiết với bảo mẫu hơn là với cha mẹ (Ảnh minh họa: iStock).

Trong khi nhiều gia đình tại Trung Quốc thường nhờ ông bà nội, ngoại hoặc thuê người giúp việc trông nom trẻ nhỏ, nhóm gia đình giàu có tại quốc gia tỷ dân lại đang hướng tới việc thuê bảo mẫu học vấn cao để hỗ trợ con họ phát triển toàn diện.

Một “bảo mẫu thượng hạng” có tên Shura cho biết trong lĩnh vực nghề nghiệp này, nữ giới có lợi thế hơn nam giới, bởi họ có kỹ năng chăm sóc trẻ toàn diện hơn. Những gia đình thuê bảo mẫu nam thường muốn con phát triển kỹ năng chơi thể thao.

Susu, một “bảo mẫu thượng hạng” có kiến thức chuyên sâu về dinh dưỡng, cho biết cô được chủ nhà giao nhiệm vụ lên thực đơn ăn uống hàng ngày cho trẻ, để người giúp việc thực hiện.

Susu còn được yêu cầu ở bên cậu học trò nghịch ngợm trong suốt kỳ nghỉ hè. Cha mẹ cậu bé rất nghiêm khắc nhưng không có thời gian để uốn nắn cậu con trai bướng bỉnh.

Susu xuất hiện để dạy cậu bé học, cùng cậu bé chơi. Cô cùng cậu bé đạp xe, chạy bộ, chơi bóng rổ… Đặc biệt, cô dành thời gian trò chuyện để thấu hiểu cậu bé, chiếm được thiện cảm của cậu, dần điều chỉnh cậu trở nên ngoan ngoãn, vâng lời hơn.

Susu nhận thấy có những đứa trẻ thân thiết với bảo mẫu hơn là với cha mẹ ruột. Điều này khiến cô vừa mừng vừa lo, bởi cô biết mình đã làm tốt phần việc của bản thân, nhưng cô cũng lo lắng cho mối quan hệ của đứa trẻ và cha mẹ ruột.

Chuyên gia tâm lý giáo dục Pan Lan cho hay: “Những “bảo mẫu thượng hạng” không bao giờ có thể thay thế vai trò của cha mẹ ruột. Thiếu đi sự đồng hành hiệu quả của cha mẹ ruột vẫn là một sự thiếu sót lớn trong hành trình trưởng thành của trẻ, điều ấy sẽ để lại những hệ lụy lâu dài.

Để một đứa trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, đứa trẻ cần có tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ ruột. Chỉ có giáo dục và văn hóa trong gia đình mới đưa lại những giá trị ý nghĩa cho cha mẹ và con cái”.

Hiện tại, dư luận Trung Quốc có những góc nhìn trái chiều về nghề “bảo mẫu thượng hạng”. Nhiều người có cách nhìn không thiện cảm, cho rằng thuê “bảo mẫu thượng hạng” là cách thể hiện mới của giới nhà giàu.

Dù vậy, cũng có nhiều người có góc nhìn cảm thông hơn. “Nếu tôi có điều kiện, kể cả không quá bận rộn với công việc, tôi cũng thuê “bảo mẫu thượng hạng”. Họ đều là những người có học vấn cao, không phải cha mẹ nào cũng có học vấn tốt hoặc có phương pháp sư phạm để giúp con học tập”, một phụ huynh chia sẻ quan điểm.

Theo www.scmp.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay