Hiện 51,6 triệu người đã có việc làm, tăng 127.000 người so với quý II và ba ngành đã tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng là chế biến gỗ, sản xuất hóa chất và cơ khí.
Một số ngành tăng đột biến số việc làm là xây dựng, giáo dục và đào tạo, vận tải – kho bãi và dịch vụ lưu trú – ăn uống. Ngược lại, các ngành nông nghiệp – lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến – chế tạo; bán buôn bán lẻ – sửa chữa xe đều sụt giảm việc làm; 5 nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là kế toán – kiểm toán, công nghệ thông tin – viễn thông, tiếp thị, quảng cáo, truyền thông, khoa học và kỹ thuật, lao động sản xuất.
Về xu hướng tuyển dụng, tìm việc trên thị trường, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nghiên cứu từ mẫu doanh nghiệp đăng tuyển dụng lao động và thông tin người lao động tìm việc trên các website tuyển dụng trong quý I/2024 cho thấy xu hướng tuyển dụng và đặc điểm của người đi tìm việc làm có sự chênh lệch tương đối.
Cụ thể, doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự có yêu cầu trình độ từ đại học trở lên chiếm 50,5%; trình độ cao đẳng, trung cấp là 44,0%; sơ cấp, không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật là 5,5%.
Trong khi đó, người đi tìm việc có trình độ đại học trở lên là 44,1%; trình độ cao đẳng, trung cấp 17,4%; không có bằng cấp, chứng chỉ 38,5%.
Về vị trí việc làm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân viên chiếm 67,3%; quản lý bậc trung 14,8%; việc làm tạm thời 8,5%.
Còn người lao động đi tìm việc làm vị trí nhân viên chiếm 56,9%; quản lý bậc trung 28,2%; việc làm tạm thời 4,9%.
Các doanh nghiệp đưa ra các phân khúc tiền lương khác nhau, tương ứng với trình độ và kỹ năng của ứng viên: dưới 5 triệu đồng/tháng; 5-10 triệu đồng/tháng; 10-15 triệu đồng/tháng; 15-21 triệu đồng/tháng; trên 21 triệu đồng/tháng.