Học phí có phải là rào cản khiến 120.000 HS trúng tuyển nhưng không nhập học?

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2024 trên hệ thống là 673.586 em, tăng 58.116 thí sinh so với năm 2023.

Tuy nhiên, tính đến 17h ngày 27/8, hạn cuối để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì số thí sinh xác nhận nhập học 551.479; chiếm 81,87% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1. Như vậy, có đến 122.107 thí sinh dù trúng tuyển nhưng từ chối không nhập học đại học đợt 1, chiếm tỷ lệ 18,13%.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những thí sinh đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định và không có lý do chính đáng coi như thí sinh đó từ chối nhập học, cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.

Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Nhiều nguyên nhân

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong số hơn 122.000 thí sinh từ chối nhập học đại học sẽ được phân ra do nhiều nguyên nhân.

Trong đó có 2 nguyên nhân chính có thể dẫn đến việc này, nguyên nhân thứ nhất, một bộ phận thí sinh từ chối nhập học có thể do trúng tuyển ngành, trường chưa thực sự yêu thích. Nguyên nhân thứ hai là do các em có những sự lựa chọn khác như đi du học, đi xuất khẩu lao động và con số này hiện nay khá nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân -Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân -Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Còn theo Thạc sĩ Đoàn Thị Hương Thủy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, một số thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học vì có định hướng đi du học, đi học nghề hoặc đi xuất khẩu lao động.

Đồng thời, cũng có trường hợp dẫn đến việc này là thí sinh quên, không để ý các thông tin quan trọng như phải xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bên cạnh đó, mặc dù thí sinh đã có một khoảng thời gian dài để suy nghĩ về việc lựa chọn ngành nghề và đặt nguyện vọng lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng có thể đến phút chót, các bạn cảm thấy ngành nghề đó không còn phù hợp với mình nữa và định hướng sang một hướng khác.

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường Đại học Nha Trang chia sẻ, có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể một bộ phận thí sinh trúng tuyển chủ quan, không nắm rõ kế hoạch thời gian mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Một nguyên nhân khác cũng dẫn đến việc này là khi trúng tuyển vào một trường nào đó rồi nên chỉ tập trung vào việc làm sao làm thủ tục nhập học theo hướng dẫn trên hệ thống của trường trúng tuyển cho nhanh nhất mà vô tình quên mất cần phải xác nhận trên hệ thống của Bộ.

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh còn phân vân có xác nhận nhập học hay không vì muốn xét bổ sung vào ngành, trường khác; đi du học hoặc không muốn đi học.

Học phí có phải là rào cản?

Có ý kiến cho rằng học phí cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc quyết định nhập học của các em, theo thầy Nhân, không hẳn học phí là một rào cản vì hiện nay các trường có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có cả học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trong khi đó, học phí đã được các trường công khai trong đề án tuyển sinh, bản thân thí sinh có thời gian tìm hiểu trước khi đăng ký nguyện vọng. Các trường cũng đã tư vấn cho thí sinh rất kỹ lưỡng.

Do vậy, trở ngại về học phí chỉ có thể xảy ra với các em đăng ký trường công nhưng không trúng tuyển mà lại trúng tuyển trường ngoài công lập.

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh số gia đình có điều kiện, số gia đình khó khăn về kinh tế hiện cũng rất nhiều và con cái của họ gặp khó khăn bởi học phí.

Học phí cao và chi phí cho cuộc sống của tân sinh viên hiện nay là một rào cản lớn. Một tân sinh viên ở trường sẽ phải chi tiền cho học phí, nhà trọ, sinh hoạt… Trong khi đó chi phí này ở các trường đại học tư thục có thể còn lớn hơn nhiều.

Cùng bàn về vấn đề này, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ, vấn đề về học phí chỉ là một phần nhỏ nguyên nhân dẫn đến việc thí sinh không xác nhận nhập học.

Ngoài học phí, sinh viên có thể tìm hiểu về môi trường đào tạo, các hoạt động sinh viên và cảm thấy không phù hợp nữa cũng là một trong những nguyên nhân..

Đồng thời, việc thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học dù ít hay nhiều cũng một phần ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh của nhà trường. Bởi khi nhà trường đã xác định được tỉ lệ thí sinh trúng tuyển và dựa vào tỉ lệ ảo của các năm trước thì nhà trường cũng cần căn cứ để đưa ra mức điểm chuẩn phù hợp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: NVCC.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: NVCC.

Còn theo thầy Phương, việc này ảnh hưởng nhiều đến quá trình tuyển sinh của các trường khi đến thời hạn chốt xác nhận nhập học, khi thí sinh không làm đúng theo quy định dẫn đến các trường chưa có đủ thông tin hoặc có thông tin không chính xác trong việc xác định xét tuyển bổ sung. Việc này có thể làm cho các trường tuyển sinh thừa hoặc thậm chí thiếu.

Vì vậy, trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần hết sức chú tâm và lưu ý đến các mốc thời gian thực hiện các thao tác, nhiệm vụ mà trong kế hoạch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố để không bị mất quyền lợi của chính mình và giúp cho các trường, các thí sinh khác có cơ hội tuyển sinh và học tập tốt hơn.

Nhiều thí sinh sơ suất chưa xác nhận nhập học, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở lại hệ thống

Để tạo điều kiện cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tiếp tục mở Hệ thống để thí sinh hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học đến trước 17 giờ ngày 31/8. Bên cạnh đó, từ thời điểm này đến tháng 12, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo cần tìm hiểu thông tin ở trường để tìm ra sự lựa chọn phù hợp với mình nhất.

Theo quy định, đối với thí sinh chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào bất cứ nơi nào có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.

Nguồn: Giáo dục

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay