Trong nhiều trường hợp khi đi phỏng vấn, bạn không nên quá thành thật bởi sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp.
Joel Lalgee đã dành khoảng 1 thập kỷ làm việc với vai trò là nhà tuyển dụng tại nhiều công ty khác nhau cho đến khoảng 2 năm trước.
Hiện tại, người đàn ông 36 tuổi này chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về thị trường việc làm và lời khuyên dành cho các nhà tuyển dụng trên tài khoản mạng xã hội và podcast của mình. Gần đây, anh thực hiện một video về 5 điều mà ứng viên nên… nói dối trong các cuộc phỏng vấn.
Anh chia sẻ: “Thị trường việc làm thực sự tàn khốc và cực kỳ cạnh tranh. Vì vậy, khi phỏng vấn, bạn cần có sự chuẩn bị khôn ngoan”. Anh không ủng hộ việc nói dối về kỹ năng và kinh nghiệm nhưng anh khuyên các ứng viên nên có chiến lược, thông điệp muốn truyền tải.
Vị chuyên gia này đã vạch ra 5 vấn đề mà các ứng viên không nên thành thật quá khi bước vào buổi phỏng vấn.
1. Lý do bạn muốn làm việc cho công ty
Lalgee cho rằng “mọi người đều biết bạn đi làm cho công ty để kiếm tiền duy trì cuộc sống” và điều này đặc biệt đúng với thế hệ trẻ . Nhưng anh khuyên mọi người nên gạt bỏ vấn đề tiền lương, phúc lợi ra khỏi câu trả lời khi được hỏi tại sao bạn muốn làm việc cho một công ty.
Lalgee cho biết các công ty nên đồng cảm với những khó khăn về tài chính và lạm phát cao, nhưng anh cảnh báo rằng biến công việc thành mục tiêu tiền bạc có thể để lại ấn tượng xấu.
Thay vì đề cập đến mức lương khi được hỏi về sự quan tâm đến công việc, Lalgee khuyên các ứng viên nên chuẩn bị câu trả lời nêu bật sứ mệnh hoặc văn hóa của công ty.
“Nếu bạn thực sự cam kết với sứ mệnh và văn hóa công ty, nhiều người sẽ tin rằng bạn sẽ tận tâm hơn với công việc”, vị chuyên gia cho biết.
2. Tại sao bạn rời khỏi công ty cũ
Lalgee chia sẻ, điều tệ nhất mà một ứng viên có thể làm là nói lan man về công ty trước đây hoặc hiện tại của họ. Điều này sẽ khiến ứng viên rơi vào trạng thái lo lắng, bất an. Anh khuyên các ứng viên nên có phần trả lời tích cực về những kinh nghiệm trong quá khứ đồng thời cho biết bản thân đang tìm kiếm một thử thách mới ở môi trường mới
Nếu buộc phải trung thực về một trải nghiệm tiêu cực, ứng viên nên chia sẻ chung chung rằng bản thân không phù hợp với văn hoá công ty cũ, đừng trình bày quá chi tiết về những điều không vui. Sau đó, ứng viên hãy xoay chuyển cuộc trò chuyện để giải thích cách công ty hiện tại phù hợp hơn với các mục tiêu hoặc giá trị đang tìm kiếm.
3. Kế hoạch cho tương lai
Lalgee cho biết, bạn có thể muốn thành thật khi được hỏi về kế hoạch dài hạn của mình, dù đó là học sau Đại học, lập gia đình hay thay đổi nghề nghiệp. Nhưng khi nhà tuyển dụng hoặc quản lý tuyển dụng hỏi điều này, họ muốn bạn nói về tương lai gắn với công ty.
Chuyên gia chia sẻ, “tuyển dụng rất tốn kém” và các công ty “không muốn những người mà họ sẽ đầu tư vào lại nghỉ việc”.
4. Vấn đề lương thưởng, thu nhập
Các nhà quản lý tuyển dụng thường hỏi bạn kiếm được bao nhiêu mỗi tháng, mỗi năm. Và nếu họ hỏi, bạn không nên nói sự thật. Thay vào đó, bạn nên nêu rõ mức lương mà bạn đang nhắm tới.
Lalgee thẳng thắn bày tỏ, các ứng viên nên đưa ra mức lương mong muốn nhưng đảm bảo sự phù hợp. Anh cũng cảnh báo không nên đưa ra mức lương thấp và nói rằng hãy đảm bảo rằng con số khởi điểm là điểm điều bạn muốn.
“Nếu họ định giá thấp, điều mà họ thường làm hiện nay do tình hình thị trường, thì ít nhất là bạn cũng không tự đánh giá thấp bản thân”, anh nói.
5. Bạn cũng đang phỏng vấn ở nhiều nơi khác
Dù đang đi phỏng vấn ở nhiều công ty khác, bạn cũng không nên dại dội chia sẻ thẳng về điều này. Hãy cho biết bạn đang có vài cơ hội hoặc”đang trong quá trình cân nhắc”. Nhưng hãy nhớ nêu một vài điểm thích thú của công ty mà bạn đang tham gia tuyển dụng.
“Bạn càng được nhiều người săn đón thì càng tốt”, Lalgee thẳng thắn nói