WHO dự báo, đến năm 2030, toàn cầu thiếu hụt 18 triệu nhân viên y tế. Vì thế, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giảm tải cho cán bộ y tế mà vẫn đảm bảo được sự chính xác trong chẩn đoán, điều trị.
Thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị thường niên lần thứ 25 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân, diễn ra vào ngày 23-24/8 tại Đà Nẵng.
Hội nghị đã giới thiệu những công nghệ, giải pháp hiện đại và toàn diện trong ung bướu, tim mạch, thần kinh… tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này giúp tối ưu hóa quy trình làm việc cho bác sĩ và mang lại giá trị đột phá trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.
GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, cho biết, một trong những điểm nổi bật của hội nghị lần này là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Trong y tế, chẩn đoán hình ảnh là lĩnh vực hàng đầu ứng dụng AI.
Việc tích hợp AI trong các phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp máy chạy nhanh hơn, chất lượng hình ảnh tốt hơn… Tương tự với bác sĩ, việc ứng dụng phần mềm AI giúp việc chẩn đoán nhanh hơn, kết quả chính xác hơn.
“Trong tương lai gần, AI sẽ đi vào ứng dụng nhiều trong chẩn đoán hình ảnh, giúp giảm tải cho y bác sĩ vì lượng bệnh nhân rất nhiều, nếu không có AI việc đọc kết quả của bác sĩ sẽ rất mất thời gian”, GS Thông cho biết.
Theo ông, AI là một công cụ hữu ích hỗ trợ các bác sĩ trong vấn đề chẩn đoán, có thể giúp phát hiện các tổn thương rất nhỏ.
Chung quan điểm, GS.TS Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thêm, hiện nay, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó có lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân, giải phẫu bệnh, ung thư… Đây là công cụ rất hữu hiệu cho các y bác sĩ, đặc biệt trong chẩn đoán, điều trị.
Tại Việt Nam, ứng dụng AI là một lĩnh vực mới, hiện có vai trò nhiều trong chẩn đoán bệnh, từ đó giúp cho việc đưa ra các quyết định điều trị chính xác, kịp thời, hiệu quả.
Chẳng hạn, nó giúp cho việc đọc các kết quả trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, X-quang, CT, MRI…), y học hạt nhân (SPECT/CT, PET/CT…), giải phẫu bệnh… được nhanh hơn, chính xác hơn, thuận lợi hơn.
“Đặc biệt, nó giúp cho bác sĩ thuận lợi trong nhận định, đánh giá kết quả, nhất là với cán bộ y tế vùng sâu vùng xa. Dù vậy, AI cũng chỉ là kết quả gợi ý, quyết định cuối cùng vẫn là người thầy thuốc”, GS Khoa nói.
Trí tuệ nhân tạo – công cụ hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong chẩn đoán, điều trị
Tại Việt Nam, mỗi ngày có hàng triệu bản in kết quả chẩn đoán hình ảnh. Khi được ứng dụng, AI với khả năng đọc, phân tích dữ liệu sẽ giúp các bác sĩ có được kết quả chọn lọc nhất, thay vì phải xử lý khối lượng lớn các hình ảnh của từng ca bệnh.
Các thiết bị chẩn đoán thông minh hỗ trợ AI như máy cộng hưởng từ 1.5T Signa Champion, máy siêu âm tổng quát LOGIQ Totus… giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho các y bác sĩ. Các công nghệ chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ AI đang được phát triển như một công cụ tiên lượng, giúp các bác sĩ dự đoán những ca bệnh cần điều trị.
Chẳng hạn với bệnh ung thư gan, việc ứng dụng AI trong chẩn đoán có thể giúp dự báo nguy cơ ung thư của một người bị bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan… là bao nhiêu phần trăm.
Điều này có được thông qua tổng hợp các phương tiện như xét nghiệm lâm sàng, chụp cộng hưởng từ…, từ đó, các bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị tích cực để giảm nguy cơ. Đây là điểm quan trọng giúp ngăn chặn từ xa các ca bệnh tiến triển sang giai đoạn nguy hiểm nhất là ung thư gan.
Tương tự, AI có thể mở rộng tiềm năng vô hạn của các liệu pháp điều trị bệnh tim hiện nay khi giúp can thiệp sớm, ít xâm lấn với độ chính xác cao hơn.
Bằng cách tận dụng AI để phân tích thông tin và hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau như điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp phát xạ positron…, các bác sĩ có được cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng bệnh nhân.
Chẩn đoán hình ảnh đa phương thức tích hợp AI kết hợp với phần mềm 3D cũng giúp các bác sĩ phẫu thuật hình dung giải phẫu phức tạp của tim để họ có thể lập kế hoạch tiếp cận trước ca mổ.
Nguồn: dantri