Thế hệ này bị gọi là nhóm người “đuôi chuột” – tức có trình độ, bằng cấp cao (đầu voi) nhưng lại sống bằng thu nhập của cha mẹ hoặc mức lương rất thấp (đuôi chuột).
Zephyr Cao, 27 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc năm 2023. Nhận thấy mức lương được nhận không tương xứng với tấm bằng thạc sĩ, anh từ chối tìm việc và về quê Hà Bắc.
“Thật buồn khi lương khởi điểm của bằng cử nhân không khác gì bằng thạc sĩ”, chàng trai nói và cho biết mình đang cân nhắc học tiếp lên tiến sĩ để có tương lai tốt đẹp hơn.
Amada Chen, tốt nghiệp Đại học Trung Y Hồ Bắc năm 2024, cũng quyết định nghỉ làm tại một doanh nghiệp nhà nước sau 1 tháng trải nghiệm. Mức lương 60 tệ (hơn 200.000 đồng) cho 12 tiếng làm việc mỗi ngày khiến cô cảm thấy chán nản.
Chia sẻ với Reuters, Chen cho biết từng gửi 130 đơn xin việc nhưng chỉ nhận được lời đề nghị làm bán hàng hay thương mại điện tử. Ước mơ trở thành thanh tra chất lượng hay nhà nghiên cứu của Chen dường như quá xa vời.
Zephyr Cao hay Amada Chen chỉ là 2 trong số rất nhiều thanh niên Trung Quốc đau đầu tìm việc trong thời kỳ suy thoái. Họ bị gọi là nhóm người “đuôi chuột” – tức có trình độ, bằng cấp cao (đầu voi) nhưng lại sống bằng thu nhập của cha mẹ hoặc mức lương rất thấp (đuôi chuột).
Theo Yun Zhou, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ), bằng đại học từng là cánh cửa mở ra cơ hội việc làm tốt, song giờ đây trở nên hết sức phù phiếm.
“Khi thất nghiệp kéo dài, một số thanh niên phải về quê sống dựa vào bố mẹ và trở thành những đứa trẻ toàn thời gian”, vị chuyên gia nói và cho biết nhiều người buộc phải hạ thấp kỳ vọng, chấp nhận làm công việc trái ngành, lương thấp để mưu sinh.
Hiện số lượng sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học năm 2024 tìm kiếm việc làm đang đạt mức kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp của khoảng 100 triệu thanh niên trong độ tuổi 16-24 đã vượt ngưỡng 20% lần đầu vào tháng 4/2023.
Một bộ phận người trẻ Trung Quốc thậm chí còn lựa chọn đi chùa để giải tỏa căng thẳng. Trên trang mạng xã hội Douyin, lượt tìm kiếm các chuyến đi như vậy đã tăng 580% trong năm nay. Họ coi việc đi chùa như “một trải nghiệm thanh lọc tâm hồn”.
“Chúng em cảm thấy áp lực và muốn đi chùa để tĩnh tâm. Tưởng chừng như sinh viên tốt nghiệp đại học ở khắp mọi nơi và còn nhiều thạc sĩ nữa. Tiêu chuẩn tìm việc đang tăng lên vì mọi người có trình độ cao hơn”, một sinh viên tên Chen nói.
“Tình trạng thất nghiệp ở thanh niên sẽ tồn tại khá lâu, ít nhất là từ 5 đến 10 năm”, ông Wang Jun, giám đốc kinh tế tại Công ty quản lý tài sản Huatai, nhận định và nói thêm rằng những công việc tạm thời sẽ “giảm bớt xung đột xã hội do tình trạng thất nghiệp gây ra”.
Peter Liu, chàng trai 24 tuổi tốt nghiệp chuyên ngành sản xuất truyền hình tại một trường đại học ở Bắc Kinh, cho biết: “Thật sự rất khó để kiếm được việc làm ở các công ty lớn”.
Để giải quyết vấn đề việc làm, chính phủ Trung Quốc trước đó đã kêu gọi mở thêm nhiều kênh tuyển dụng phục vụ lao động trẻ. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng được triển khai để thúc đẩy tìm kiếm chất xám.
Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra hơn 12 triệu việc làm ở các khu vực đô thị và duy trì tỷ lệ thất nghiệp trong khảo sát đô thị ở mức khoảng 5,5%. Bộ Nhân sự và An sinh xã hội Trung Quốc hồi cuối tháng 4 cho rằng 3,03 triệu việc làm mới trong quý I/2024 đã bước đầu đánh dấu khởi đầu tốt cho thị trường việc làm vốn khá ảm đạm.
Được biết, Trung Quốc từng chứng kiến tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao vào đầu những năm 1980, cuối những năm 1970 và 1990. Kể từ sau đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu thốn việc làm và kinh tế suy thoái khiến loại người trẻ cảm thấy rất khó khăn.
Theo: Reuters, SCMP