Nhiều người lao động Hàn Quốc bị sa thải một cách vô lý khiến giới công sở vốn đã chán nản với công việc thì nay lại càng không mặn mà.
Thật ngữ quiet quitting (nghỉ việc trong thầm lặng) lần đầu được đề cập vào năm 2020, đề cập đến thực tế nhân viên chỉ hoàn thành công việc ở mức tối thiểu, từ chối tăng ca, làm thêm giờ hoặc mang việc về nhà. Họ không đặt nặng việc thăng tiến, thay vào đó mong muốn dành thời gian cho sở thích của bản thân, gia đình.
Nguyên nhân chính khiến nhiều lao động Hàn Quốc bỏ việc thầm lặng bởi “không hài lòng với mức lương và phúc lợi hiện tại của công ty” chiếm hơn 32%. “Không còn hứng thú với công việc” và “chuẩn bị thay đổi công việc” lần lượt chiếm 30% và 20,5%.
Đáng chú ý, trong khi môi trường làm việc đã khắc nghiệt thì nhiều công ty còn đề ra quy định sa thải vô lý khiến nhân viên cảm thấy nghẹt thở.
Gapjil 119 – một nhóm công dân hỗ trợ người lao động ở Hàn Quốc – vừa qua công bố phân tích về 46 trường hợp nhóm này tham vấn trong năm 2023, liên quan đến nhân viên của các doanh nghiệp nhỏ (quy mô dưới 5 nhân sự). Theo đó, 27 trường hợp trong số này được cho bị đuổi việc với lý do “không thể chấp nhận”, theo Korea Herald.
Những lý do đuổi việc trên trời
Một trường hợp cho biết bị đuổi việc sau khi tự chuẩn bị bữa ăn trưa thay vì ăn cùng đồng nghiệp. Dù lý do là để tiết kiệm tiền ăn trưa, nhân viên này không được cấp trên thông cảm và nhận tuyên bố “hãy rời đi nếu chỉ muốn làm theo ý mình”.
Một người khác cho biết đã bị sếp tán tỉnh, tỏ tình. Khi cô từ chối liền bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động của Hàn Quốc quy định các điều kiện làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều điều khoản không áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ có dưới 5 nhân viên, trừ hợp đồng lao động, phiếu lương, mức lương tối thiểu, trợ cấp thôi việc và chế độ nghỉ thai sản.
Điều này đồng nghĩa các chủ doanh nghiệp nhỏ có thể sa thải nhân viên tùy thích. Họ chỉ cần báo trước người lao động về việc chấm dứt hợp đồng, theo Điều 26.
Ngoài ra, có đến 38 trong số 46 trường hợp tham vấn bị bắt nạt hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nhóm công dân này cho biết Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động nên được áp dụng cho cả doanh nghiệp nhỏ hơn, sẽ giải quyết được các vấn đề người lao động đang phải chịu cảnh bất công.
Môi trường công sở độc hại
Theo thống kê, người lao động nước này làm việc 1.900 giờ mỗi năm, cao hơn 200 giờ so với mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và gần 570 giờ so với người lao động ở Đức.
Thống kê của OECD cho thấy mức độ hài lòng trong cuộc sống của người dân Hàn Quốc đứng thứ 35 trong tổng số 38 quốc gia thành viên, tính đến hết năm 2022. Đánh giá mức độ hài lòng chung với cuộc sống theo thang điểm 10, người dân Hàn Quốc đạt hơn 5 điểm.
Với mức độ hài lòng với công việc ở mức trung bình thấp, người lao động Hàn Quốc đang chú trọng vào việc cân bằng giữ công việc và cuộc sống. Công việc lý tưởng từng được xác định bằng lương cao và địa vị trong xã hội nay được thay thế bằng việc mỗi cá nhân có đủ thời gian dành riêng cho bản thân hay không.
Trước đó khảo sát năm 2022 của trang web tìm kiếm việc làm Saramin với hơn 1.800 người trưởng thành đang tìm việc, cho thấy gần 72% người được hỏi nói thích làm việc trong môi trường có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống thay vì lương cao.
Các chuyên gia dự báo xu hướng nghỉ việc thầm lặng vẫn sẽ tiếp tục lan rộng trong tương lai.
Theo Korea Herald