Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, năm học 2024-2025 sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra tại nhiều địa phương trong khi đó không ít sinh viên sư phạm ra trường lại thất nghiệp, chưa thể tìm được việc làm.
Thiếu giáo viên…
Theo thống kê, tính đến tháng 4.2024, cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học. Dự báo đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Ở cấp THCS, môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.
Tại hội nghị Giám đốc Sở GDĐT năm 2024 do Bộ GDĐT tổ chức mới đây, đại diện nhiều sở như Đắk Lắk, Hậu Giang đã chia sẻ những trăn trở về tình trạng thiếu giáo viên, khó tuyển dụng giáo viên tại địa phương.
Chẳng hạn, tại TPHCM, kết thúc đợt 1 kỳ tuyển dụng, TPHCM tuyển dụng được 294 giáo viên, nhân viên trong tổng số 337 nhu cầu tuyển dụng thực tế. Trong đó, tuyển dụng được 254/263 giáo viên và 41/74 nhân viên.
Tương tự tại tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa – cho biết, dù địa phương đã và đang được bổ sung hơn 6.000 giáo viên, tuy nhiên, vẫn còn thiếu hơn 3.000 giáo viên so với định mức quy định của Bộ GDĐT.
Tại Đắk Nông, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có hơn 200.000 học sinh các cấp. Mặc dù số trường học không tăng so với năm học trước, nhưng dự kiến sẽ tăng hơn 500 lớp học. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, tỉnh Đắk Nông đề nghị các cơ quan liên quan sớm xem xét, giao bổ sung hơn 2.100 biên chế giáo viên và hơn 600 biên chế nhân viên trường học.
… nhưng sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp
Theo lộ trình đổi mới giáo dục, từ năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức được áp dụng cho toàn bộ các khối lớp. Thiếu nguồn lực giáo viên là một trong những khó khăn hiện nay của các trường phổ thông khi triển khai dạy học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Không chỉ khó đảm bảo việc dạy học hằng ngày mà việc thiếu giáo viên còn không đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra.
Theo nhiều thầy cô, mặc dù ngôi trường họ đang dạy thiếu giáo viên, nhưng địa phương lại không được giao chỉ tiêu tuyển dụng. Điều này dẫn đến nghịch lý thiếu trầm trọng giáo viên, nhưng sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp.
Trường hợp của anh Nguyễn Phú Lâm (Khánh Hòa) là một điển hình cho việc này. Năm 2020, anh Lâm tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế và có nguyện vọng về địa phương để công tác, sinh sống. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 5 năm đợi chờ, anh Phú Lâm vẫn trong trạng thái thất nghiệp. “Tôi hiện đang dạy thêm tại nhà và chờ thông báo tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh” – anh Phú Lâm buồn bã nói.
Đặt hàng đào tạo giáo viên chưa thực sự hiệu quả
Một trong những giải pháp thiết thực liên quan đến đào tạo giáo viên là sự ra đời của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Trong đó, hằng năm, UBND tỉnh, thành phố rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ GDĐT và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông.
Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên và nhu cầu đào tạo giáo viên, địa phương có thể giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên. Đây được coi là điểm nhấn có tính quyết định về cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn trong đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu thực tiễn vị trí việc làm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ đã diễn ra trong nhiều năm qua và việc triển khai Nghị định 116 hiện nay đang tồn tại nhiều hạn chế.
“Đối với những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội tốt như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… thường rất cân nhắc đặt hàng bởi sau thời gian ít nhất 4 năm mới có sản phẩm. Trong khi đó, nhiều thầy cô sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm có thu nhập thấp, chỉ tiêu tuyển dụng lại hạn chế nên chưa xin được việc. Và về bản chất, ai cũng muốn đến nơi phát triển kinh tế để công tác. Trước đây có chính sách giáo viên đi miền núi 5 năm sẽ được trở về, nhưng có nhiều người gắn bó hàng chục năm vẫn chưa thể quay về. Do đó, chính sách này được đánh giá là thiếu đồng bộ” – ông Bắc nói.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, trong khi sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp, PGS.TS Lê Thành Bắc cho rằng, cần làm tốt công tác dự đoán phát triển nguồn nhân lực trên quy mô tổng thể quốc gia, khi có chiến lược đào tạo tốt sẽ giải quyết được vấn đề.
Giải bài toán thiếu giáo viên ở Thanh Hóa
Trước thực trạng thiếu giáo viên ở Thanh Hóa, ngành chức năng tỉnh này đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bổ sung số lượng giáo viên theo quy định, đáp ứng nhu cầu dạy và học tại các địa phương trên địa bàn.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề thiếu giáo viên, ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, bước sang năm 2024, tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn đã “giảm nóng” hơn nhiều so với năm 2023, bởi địa phương đã và đang tuyển thêm hàng nghìn giáo viên mới.
Vừa qua, Thanh Hóa là địa phương được bổ sung lượng giáo viên nhiều nhất cả nước, với 2.700 chỉ tiêu của Bộ GDĐT vào biên chế. Cùng với đó, HĐND tỉnh cho hợp đồng thêm 3.800 trường hợp, tổng cộng là 6.500 giáo viên. “Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã tuyển được 50% (tức là hơn 3.000 giáo viên), dự kiến từ giờ đến đầu năm học mới sẽ tuyển thêm hơn 3.000 giáo viên nữa” – ông Thức cho hay.
Cũng theo ông Thức, việc bổ sung số lượng 6.500 giáo viên đã giúp cho các cấp học tại các địa phương giải quyết căn cơ vấn đề thiếu giáo viên. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc tuyển giáo viên phải đảm bảo các quy định, qua nhiều bước, cùng với đó, nguồn tuyển tại một số địa phương hiện nay không dồi dào.
Để giải quyết vấn đề này, Sở GDĐT Thanh Hóa đã đặt hàng với số lượng hàng nghìn sinh viên sư phạm của 2 trường đại học lớn tại tỉnh Thanh Hóa và các trường đại học khác, nên dự kiến sang năm nguồn tuyển sẽ dồi dào hơn.
Sở GDĐT Thanh Hóa cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ triển khai hướng dẫn các huyện thị, thành phố khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu. Bên cạnh đó, thực hiện hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường; bố trí việc dạy liên trường, liên cấp và tăng tiết nhằm đảm bảo đủ số lượng theo chương trình dạy học mới.
Cũng theo ông Thức, một điểm khó nữa là trong năm 2024, lượng học sinh không chỉ ở Thanh Hóa mà nhiều tỉnh khác cũng tăng lên. Trong khi đó, hệ thống trường công lập không có chủ trương tăng, chỉ tăng trường ngoài công lập, nhưng số lượng cũng rất ít. Cụ thể như, tại Thanh Hóa trong năm học 2023 – 2024 giảm đi 7 trường công lập, trong khi đó chỉ mở thêm được 2 trường ngoài công lập. Điều này cũng gây nên những khó khăn và dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên. QUÁCH DU
Nguồn: laodong