Giao quyền công nhận giáo sư cho trường đại học

Ý tưởng giao quyền công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho trường đại học đã được đưa ra từ lâu. Nhưng đến gần đây mới có những cuộc thảo luận được tổ chức nghiêm túc và ở quy mô thể chế về ý tưởng này.

PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên giao cho cơ sở giáo dục đại học - Ảnh: TUẤN PHƯƠNG

PGS.TS Vũ Hải Quân – giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM – cho rằng việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư nên giao cho cơ sở giáo dục đại học – Ảnh: TUẤN PHƯƠNG

Cuộc hội thảo diễn ra cách nay mấy ngày ở Đại học Quốc gia TP.HCM là một ví dụ.

Ở các nước tiên tiến, giáo sư, phó giáo sư là chức vụ học thuật (academic title) gắn với trường đại học.

Chức vụ này được trao bởi các trường trên cơ sở đánh giá từ cấp khoa hoặc đơn vị đào tạo (giống như bộ môn ở Việt Nam) về năng lực chuyên môn của ứng viên, nghĩa là bởi những đồng nghiệp biết rõ ứng viên, nhất là về mặt chuyên môn.

Thông thường, sau khi ứng viên được đề cử và được hội đồng khoa học của trường đại học xét công nhận thì hiệu trưởng trường đại học quyết định bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.

Về nguyên tắc, chức danh giáo sư được trao cho người làm công việc giảng dạy chuyên nghiệp, nghĩa là giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo.

Có những nước như Pháp cho phép trao chức danh giáo sư cho người không phải là giảng viên cơ hữu của trường đại học.

Tuy nhiên, những người này phải làm việc tại những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phù hợp với chuyên môn gắn với chức danh giáo sư được trao, ví dụ giáo sư luật được công nhận cho chuyên gia pháp lý làm việc tại tòa án; giáo sư ngành y được thừa nhận cho bác sĩ làm việc tại bệnh viện…

Vả lại, dù làm việc toàn thời gian ở trong hay ngoài trường đại học, giáo sư phải dành thời gian làm việc hợp lý cho công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Không dạy, không nghiên cứu mà lại xưng giáo sư thì nghe rất chướng tai.

Một khi được trao chức danh giáo sư, người có chức danh có quyền sử dụng chức danh này trong giao tiếp xã hội. Cả trong trường hợp không còn làm việc tại trường đại học đã công nhận chức danh giáo sư cho mình thì người này cũng không mất chức danh có được.

Ở Mỹ, nơi các trường đại học, đa phần là trường tư, có quyền tự chủ tuyệt đối, người được công nhận giáo sư bởi trường này không nhất thiết cũng mặc nhiên được thừa nhận là giáo sư của trường khác.

Tuy nhiên, một khi đồng ý tiếp nhận ứng viên vốn đã là giáo sư của một trường thì trường tiếp nhận cũng đồng thời thừa nhận tư cách giáo sư mà ứng viên có được từ trường cũ.

Có ý kiến cho rằng giao cho trường đại học công nhận giáo sư sẽ tạo điều kiện cho những trường kém chất lượng bổ nhiệm giáo sư theo kiểu gà đẻ trứng: có nhiều giáo sư, trường xây dựng được giao diện bắt mắt đối với xã hội, từ đó tuyển sinh được nhiều.

Song, trong một xã hội mà người lao động được tuyển dụng dựa vào năng lực thực tế hơn bằng cấp thì trường nào có nhiều giáo sư dở sẽ khó tuyển sinh. Một khi tuyển sinh kém, doanh thu thấp mà bổ nhiệm quá nhiều giáo sư thì trường có nguy cơ đóng cửa do gánh nặng tiền lương.

Từ kinh nghiệm các nước có thể thấy những rủi ro lạm dụng quyền công nhận chức danh giáo sư của trường đại học sẽ không tồn tại một khi xã hội coi trọng thực học, thực tài hơn bằng cấp.

Nói cách khác, chừng nào người ta còn đổ xô tìm kiếm bằng cấp bằng mọi giá thì việc giao cho trường đại học công nhận giáo sư chỉ là việc bàn bạc cho vui.

Nguồn: tuổi trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay