Viên chức dân số trên cả nước đang mong chờ sẽ được tăng phụ cấp ưu đãi nghề vì nhiệm vụ, công việc của họ không khác gì một viên chức y tế tại tuyến cơ sở.
Kỳ vọng được tăng phụ cấp
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Thông tin này khiến nhiều viên chức dân số đang công tác tại các trạm y tế xã trên cả nước xôn xao, đặt nhiều kỳ vọng vào việc sẽ được tăng phụ cấp ngang bằng với viên chức y tế.
Chị Nguyễn Thùy Dung – viên chức Dân số xã Đồng Kỳ Yên Thế, Bắc Giang – cho biết, hiện nay viên chức dân số xã đã có mã ngạch V08 nhưng hiện nay phụ cấp cho các viên chức dân số vẫn chưa được hưởng như viên chức y tế.
“Chúng tôi vẫn hưởng mức phụ cấp 30%, các viên chức y tế tại trạm được hưởng phụ cấp 40%. Trong khi đó, công việc của chúng tôi không có sự phân biệt, mặc dù là viên chức dân số nhưng tôi vẫn đảm nhiệm các công việc của viên chức y tế như anh chị em khác trong trạm” – chị Dung nói.
Theo chị Dung, hiện nay như tại tỉnh Bắc Giang, đa số viên chức dân số đều có chuyên môn y, trong khi đó tại một số địa phương viên chức dân số chưa có chuyên môn y. Tuy nhiên, dù có chuyên môn y hay không thì các viên chức dân số vẫn gánh vác nhiều nhiệm vụ của viên chức y tế tại các trạm y tế như truyền thông giáo dục sức khỏe hay vệ sinh an toàn thực phẩm…
“Thời điểm có dịch, viên chức dân số được phân công phụ trách làm nhiệm vụ phòng chống dịch, đón tiếp, khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân COVID-19” – chị Dung nói.
Nhiệm vụ tương đương nhau, có chuyên môn y thì khám bệnh, chữa bệnh, không có chuyên môn y thì vẫn được phân công các nhiệm vụ y tế khác. Vì vậy, viên chức dân số xứng đáng được hưởng phụ cấp tương tương với các viên chức y tế tại y tế cơ sở, mọi quyền lợi chế độ cho cán bộ dân số cần được ngang với cán bộ y tế, có như vậy mới đảm bảo công bằng, tránh thiệt thòi cho các viên chức dân số trên cả nước.
Còn chênh lệch về phụ cấp, viên chức dân số còn thiệt thòi
Cùng tâm tư này, chị Nguyễn Thị Hiền – đại diện cho nhiều cán bộ dân số tại tỉnh Bắc Ninh – đề xuất cán bộ dân số làm việc tại trạm y tế làm việc như 1 nhân viên y tế. Vì vậy, nếu tăng phụ cấp cho nhân viên y tế thì cũng tăng phụ cấp cho cả viên chức dân số, với mức tăng đồng đều, tránh chênh lệch 30% – 40% như hiện nay.
“Công việc y tế chúng tôi phải đảm nhiệm tương đương các viên chức y tế, nhưng phụ cấp chỉ được hưởng có 30% suốt nhiều năm qua. Vì hai chữ “dân số” mà chúng tôi không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100% theo Nghị định 05. Như vậy là thiệt thòi đơn, thiệt thòi kép. Chúng tôi mong muốn Bộ Y tế sẽ xem xét đến những đóng góp của lực lượng viên chức dân số đối với y tế cơ sở, từ đó có những thay đổi phụ cấp cho phù hợp, công bằng cho chúng tôi” – chị Hiền chia sẻ.
Theo chị Hiền, môi trường làm việc của viên chức y tế, viên chức dân số là giống nhau, công việc được phân công đều như nhau, vì thế, lực lượng viên chức dân số đều mong muốn và đề xuất được hưởng chế độ, quyền lợi ngang bằng với cán bộ y tế như dược sĩ, điều dưỡng… “Chúng tôi đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi nghề để đảm bảo quyền lợi cho tất cả như 1 viên chức trạm y tế” – chị Hiền nói.
Chị Bạch Thị Kim Thoa – viên chức dân số của Trạm Y tế Đồng Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình – cũng chung đề xuất: Chuyên trách dân số làm tại trạm y tế hiện đang có cùng mã ngạch với y tế là V08. Vì vậy chúng tôi mong muốn Bộ Y tế, các cấp ngành có liên quan xem xét và quan tâm hơn đến chuyên trách dân số làm tại trạm y tế, được hưởng phụ cấp nghề như y tế.
“Vì khi chuyên trách dân số có bằng cấp chuyên môn là điều dưỡng, nữ hộ sinh, dược … thì khi về chung một trạm chúng tôi vẫn phải làm theo đúng chuyên môn mình được đào tạo, không phải chỉ làm nguyên công việc dân số” – chị Thoa nói.
Nguồn: laodong