Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh khẳng định lâu nay dư luận hiểu sai rằng nhà xuất bản in sách giáo khoa lãi khủng, thực chất hầu như không có lãi, nhà xuất bản lãi 300 tỉ một năm là từ dòng sách khác.
Hội nghị do Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn chủ trì.
Lãi của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam nộp hết vào nhà nước
Ông Thanh cho biết mới nhận nhiệm vụ ở Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam được hơn hai tháng, khi về mới hiểu công việc ở nhà xuất bản chứ trước đó chính ông cũng hiểu sai như dư luận xã hội cho rằng nhà xuất bản kiếm lời khủng từ sách giáo khoa.
Ông cho biết với nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội thì việc xuất bản sách giáo khoa trong bối cảnh hiện nay đã thay đổi căn bản so với trước, việc làm sách giáo khoa không còn là độc quyền của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam nữa.
Công đoạn làm sách giáo khoa vô cùng vất vả, lại phải đáp ứng đúng lộ trình đổi mới sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện một bộ sách giáo khoa hàng nghìn tỉ là một công trình công phu.
Quy trình làm sách giáo khoa của nhà xuất bản này phải trải qua 8 bước nghiêm ngặt: xây dựng tác giả; xây dựng mô hình bao gồm đề cương tổng thể, đề cương chi tiết, biên soạn bài mẫu, dạy thực nghiệm; biên soạn bản thảo thô, góp ý điều chỉnh bản thảo tác giả.
Tiếp theo là biên tập thiết kế; thẩm định nội bộ đọc rà soát ý kiến chuyên gia thẩm định; thẩm định quốc gia hai vòng; giới thiệu sách; tập huấn giáo viên sử dụng sách và cung ứng sách giáo khoa.
Do đó trong cấu thành giá của sách giáo khoa có rất nhiều chi phí khác. Ông Thanh khẳng định “lợi nhuận từ sách giáo khoa hầu như không có, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam lãi ở sách khác, sách bổ trợ, sách tham khảo”.
Nhưng dư luận, ngay cả người trong ngành cũng không biết điều này, cứ nghĩ rằng nhà xuất bản này thu 3.000 tỉ, lãi 300 tỉ là từ sách giáo khoa.
Thêm một hiểu nhầm khác, theo ông Thanh, là dư luận nghĩ lãi đó nhà xuất bản chia lương, thưởng cho nhân viên. Thực tế Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam vẫn là công ty 100% vốn nhà nước, toàn bộ lợi nhuận nộp vào nhà nước.
“Doanh nghiệp nhà nước làm việc an sinh xã hội, hết sức nỗ lực kinh doanh tốt để đóng góp cho ngân sách nhà nước nhưng dư luận không đúng, rằng chúng tôi thay đổi sách giáo khoa để in nhiều, thu hút nguồn lực xã hội lấy lãi”, ông Thanh chia sẻ.
Ngoài ra ông Thanh cũng nêu một số bất cập rất cần được tháo gỡ trong ngành xuất bản.
Như Luật Đấu thầu gây cho nhà xuất bản không ít khó khăn, khiến mất lợi thế kinh doanh rất lớn với các công ty tư nhân.
Ông ví dụ quy định bắt buộc sách giáo khoa in giấy Bãi Bằng, loại giấy này xốp, trước mỗi hộp các tông đóng được 100 cuốn sách giáo khoa, giờ đóng được 95 cuốn, dẫn đến nhà xuất bản thiếu vài chục nghìn hộp các tông.
Theo quy định hợp đồng trên 100 triệu đồng phải đấu thầu, nhà xuất bản có tiền cũng không mua được hộp ngay để kịp thời đóng gói sách mà phải đợi đấu thầu mất 70 ngày.
Thứ hai, quy định cấp đăng ký xuất bản theo năm kế hoạch với một nhà xuất bản in rất nhiều sách như Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam thì gây khó khăn rất lớn. Ông cho biết quy định này ảnh hưởng tới 70% lượng sách của nhà xuất bản này.
Ngoài ra, quy định bản thảo xuất bản phẩm là sách in trên giấy thông thường thì tổng giám đốc và tổng biên tập phải ký trên trang 1, trang xi nhê và trang bìa 4.
Hiện tất cả xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã chuyển định dạng số nhưng vẫn phải in một bản thảo giấy để ký. Mà mỗi năm nhà xuất bản này in trên 2.000 đầu sách với 10.000 bản thảo.
Một năm riêng chữ ký trên bản thảo ông Thanh sẽ phải ký 30.000 chữ ký. Ông kiến nghị có thể cho phép sử dụng chữ ký số.
Hội nghị cũng ghi nhận một số kiến nghị khác của các nhà xuất bản và kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho Hội Xuất bản Việt Nam hiện đang không có trụ sở, không kinh phí…
Ghi nhận các kiến nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết bộ đang lập đề nghị xây dựng, sửa đổi Luật Xuất bản.
Trước mắt là sửa các nghị định liên quan tới hoạt động xuất bản theo hướng giảm các thủ tục hành chính. Ví dụ như có thể xem xét bỏ quy định nộp lưu chiểu sách trước 10 ngày trước khi phát hành, hay thay thế quy định đăng ký xuất bản bằng thông báo xuất bản…
Riêng về kiến nghị chữ ký số của ông Thanh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm giải đáp theo Luật Giao dịch điện tử, và nghị định hướng dẫn thực hiện luật này có hiệu lực từ 1-7, thì khi đã có chữ ký điện tử sẽ không cần chữ ký “tươi”.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nói những kiến nghị tại hội nghị sẽ được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam nghiêm túc tiếp thu.
Nguồn: tuổi trẻ