Trên mạng xã hội, giới trẻ Trung Quốc gọi công chức là nghề “tận cùng của vũ trụ”, là nơi an toàn nhất trong một môi trường biến động hiện nay.
Cạnh tranh khốc liệt
Tháng 12 năm ngoái, Du Xin, sinh viên mới tốt nghiệp, 22 tuổi, đã tham dự kỳ thi công chức tại một trung tâm khảo thí ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Cô đã học tập chăm chỉ trong sáu tháng.
Thậm chí, một số ứng viên còn thuê gia sư để chuẩn bị cho kỳ thi.
Các ứng cử viên được kiểm tra về kiến thức chung và kỹ năng phân tích. Những năm gần đây, các ứng cử viên cũng được kiểm tra khả năng nắm bắt về tư tưởng và tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Trung Quốc.
Bất chấp nhiều tháng chuẩn bị, Du biết rằng, khả năng cô đạt kỳ thi và có công việc trong chính phủ là rất khó. Kỳ thi công chức năm ngoái, có hàng triệu thanh niên Trung Quốc khác trên khắp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tham gia.
“Sự cạnh tranh rất khốc liệt, với tỷ lệ chọi lên tới 1:70. Tôi may mắn đã làm tốt bài thi và được nhận công việc tại văn phòng địa phương ở Thạch Gia Trang”, Du nhấn mạnh.
Năm nay, sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Theo Cục Quản lý dịch vụ công quốc gia Trung Quốc, đến ngày 26/11, hơn 2,61 triệu người đăng ký và cuối cùng hơn 2,25 triệu người đã tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức tổ chức tại 237 thành phố trên cả nước.
Nhân Dân Nhật báo cũng cho rằng, số liệu của chính quyền cho thấy, năm nay số việc làm ở cấp chính quyền trung ương là 39.600 và tỉ lệ chọi là khoảng 1:77.
Du không ngạc nhiên trước số lượng người nộp đơn cao. Cô nói: “Tôi nghĩ, rất nhiều người trẻ ở Trung Quốc thực sự muốn có một công việc ổn định”.
Công chức – nơi an toàn nhất
Sự hấp dẫn của công việc ổn định là điều đã thu hút Du tham gia kỳ thi công chức năm ngoái.
Cô chia sẻ rằng: “Tôi cảm thấy hơi lạc lõng sau khi hoàn thành chương trình học cao học. Tôi không biết mình muốn làm gì. Nhưng tôi biết bản thân muốn một công việc an toàn, ổn định và điều đó khiến tôi quan tâm đến công việc của chính phủ.
Phân tích gần đây của một nhóm học giả tại Đại học Stanford cho thấy, khoảng 64% trong cuộc khảo sát sinh viên đại học Trung Quốc bày tỏ ưa thích mạnh mẽ với việc làm trong khu vực nhà nước. Với tính ổn định và giờ làm việc thoải mái, nên việc làm trong khu vực này được mệnh danh là “bát cơm sắt”.
“Tôi làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều và không phải làm việc vào cuối tuần”, Du nói.
Nhiều bạn bè của Du làm việc trong khu vực tư nhân làm việc theo hệ thống 996 – 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Cô nói: “So với họ, tôi có nhiều thời gian rảnh hơn để tận hưởng sở thích của mình”.
Yang Jiang, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cũng không ngạc nhiên trước số lượng người đăng ký tham gia kỳ thi công chức Trung Quốc năm nay đạt kỷ lục.
Số lượng người nộp đơn đã tăng nhanh trong những năm gần đây và theo Jiang, số lượng sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc tham gia thị trường việc làm cũng cao không kém. Chỉ riêng năm 2023, gần 11,6 triệu người Trung Quốc đã hoàn thành chương trình học – con số cao nhất từ trước đến nay.
Điều này khiến lĩnh vực tư nhân ở Trung Quốc, đặc biệt là những hãng công nghệ, trở nên kém hấp dẫn hơn. Trong khi đó, hệ thống công đảm bảo công việc ổn định và ít phân biệt tuổi tác hơn hẳn.
Thậm chí, trên mạng xã hội, giới trẻ Trung Quốc gọi công chức là nghề “tận cùng của vũ trụ”, là nơi an toàn nhất trong một môi trường kinh tế biến động hiện nay.
“Nhưng lý do bao trùm khiến số lượng người đăng ký thi công chức cao là do nền kinh tế Trung Quốc”, Jiang khẳng định.
Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc mấy năm gần đây đã chậm lại so với tốc độ ồ ạt các thập kỷ trước. Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu mở cửa vào cuối thập niên 1970, nhiều người trẻ chọn theo đuổi mức lương cao và cơ hội làm giàu ở khu vực tư nhân.
Còn hiện tại, thị trường nhà ở suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỷ và đầu tư trực tiếp nước ngoài lần đầu tiên bị thâm hụt trong quý III/2023. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6, trước khi chính quyền ngừng công bố số liệu.
Bà Jiang giải thích: “Khu vực tư nhân nói riêng đã chứng kiến rất nhiều đợt sa thải trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Điều đó đương nhiên khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp tìm đến khu vực công để tìm kiếm sự đảm bảo – điều mà khu vực tư nhân không có”.
Về quê và “hồi sinh” vùng nông thôn
Giống như Du, Chris Liao, 23 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đã tốt nghiệp thạc sĩ hành chính công vào năm ngoái. Anh cũng đăng ký thi công chức.
“Tôi đã không vượt qua được bài kiểm tra viết”, anh buồn bã chia sẻ. Sau đó, Liao không thể tìm được việc làm trong lĩnh vực học tập của mình, buộc anh phải làm đầu bếp một thời gian trước khi cùng cha mẹ chuyển về ngoại ô Quảng Châu – đô thị lớn nhất ở Quảng Đông.
Hiện anh nằm trong số hàng triệu thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc. Anh nói: “Tôi cảm thấy cuộc sống trở nên thực sự khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu”.
Theo các nhà quan sát, số lượng lớn thanh niên thất nghiệp ở các thành phố lớn của Trung Quốc là nguyên nhân đáng lo ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói về việc thanh niên Trung Quốc đang “hồi sinh” vùng nông thôn. Chủ tịch Tập cho rằng, thanh niên nên “chấp nhận gian khổ”.
Đối với một số người, sống ở một thị trấn nhỏ có thể không tệ hơn ở một đô thị. Đơn cử như Janice Wang, 28 tuổi, trở về quê tại huyện An Cát (Chiết Giang) từ năm 2020.
Cô làm giáo viên ở thành phố sau khi tốt nghiệp đại học năm 2016. Nhưng sau đó, cô bị thu hút bởi vùng nông thôn ngày càng được đầu tư, chi phí sinh hoạt thấp hơn và nhịp sống chậm hơn nên quyết định về quê để kinh doanh nhà nghỉ.
Janice Wang không tốn tiền thuê hay mua nhà vì gia đình sở hữu sẵn. Cô chỉ ra ưu điểm của cơ sở hạ tầng tốt, không khí trong lành. Ngoài ra, kinh doanh nhà nghỉ không dễ dàng nhưng tự do và hạnh phúc hơn.
Nguồn: baoquocte.vn/