Phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, đưa ‘có lên có xuống, có vào, có ra’ dần trở thành bình thường trong công tác cán bộ.
Sáng 9-7, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã quán triệt quy định 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới tới các điểm cầu trên cả nước.
Đạo đức là gốc, nền tảng của người cán bộ cách mạng
Theo ông Nghĩa, đạo đức là gốc, nền tảng của đảng viên, người cách mạng. Nhiều chỉ thị, nghị quyết xây dựng Đảng về đạo đức đã được ban hành, thể hiện tư duy mới…
Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, về tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đây là “tư duy rất mới”.
Nhiều cán bộ đảng viên là tấm gương mẫu mực trong học tập, công tác, lao động, sản xuất và chiến đấu”, ông Nghĩa cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự mẫu mực.
Cá biệt có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Thậm chí cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý.
Ông nêu rõ tại nhiều cuộc họp, diễn đàn, Tổng bí thư đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về có thể nói “đây là vấn đề đau xót trong Đảng”.
Nguyên nhân, căn bản của hạn chế, tồn tại, theo ông Nghĩa là do sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên.
Từ đó đòi hỏi cần có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh song song với biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện mang tính phòng ngừa tích cực.
Xử nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp
Ông Nghĩa nêu rõ trong 3 nhiệm kỳ từ 11 đến 13, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách rất quyết liệt thể hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhằm đấu tranh ngăn chặn suy thoái, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Trong đó chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan các hành vi sai trái diễn ra kể cả các năm trước và mới phát sinh; khởi tố nhiều cán bộ cao cấp, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương.
Từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu, làm rõ bản chất vụ án, khởi tố hành vi vi phạm về tham nhũng, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Cũng theo ông Nghĩa, khi Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện điều tra dư luận xã hội thì trên 83% cán bộ, đảng viên, nhân dân khi được hỏi đều đồng tình phải kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn phân công, quản lý phụ trách.
Phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, thể hiện sự nghiêm minh và cũng rất nhân văn, đưa “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ.
Cùng với đó, việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh.
“Trước đây chưa có Ban chỉ đạo cấp tỉnh nhưng giờ đã có và phát huy vai trò của nhân dân, làm mạnh mẽ. Vừa mang tính giáo dục, cảnh báo, vừa răn đe để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, được nhân dân đánh giá rất cao.
Mong cán bộ, đảng viên ở tất cả các điểm cầu lan tỏa tinh thần này để trả lời những câu hỏi trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực…”, ông Nghĩa nêu rõ.
Ông dẫn lại Bác Hồ từng nói “một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đây là điều rất sâu sắc, giá trị và đến nay phải suy ngẫm, nghiên cứu…
Quy định số 144 cụ thể hóa kết luận số 21 của Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Quy định cụ thể hóa thành 5 điều với 19 nội dung. Trong đó nêu rõ, cụ thể các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cần thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Nguồn: tuoitre