Tăng lương sẽ thu hút cán bộ giỏi, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Tăng lương không chỉ giúp người lao động cải thiện, nâng cao cuộc sống mà còn thu hút cán bộ giỏi, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam – Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đó là chia sẻ của ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam, bên lề lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam (2-7-1994 – 2-7-2024).

Tăng tiền lương, đột phá mới

Theo ông Hiểu, từ ngày 1-7, việc tăng lương tối thiểu vùng (6%) và lương cơ sở (30%) khiến nhiều đoàn viên, người lao động, nhất là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vui mừng, phấn khởi.

Ông kỳ vọng việc điều chỉnh lương giúp cải thiện, nâng cao đời sống và tạo động lực làm việc, cống hiến cho đoàn viên, người lao động. Khi điều kiện kinh tế – xã hội cho phép, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung cải cách tiền lương theo tinh thần nghị quyết 27.

“Cải cách tiền lương tạo nên đột phá mới trong tăng lương cho đoàn viên người lao động, để lương thực sự là nguồn thu nhập chính, đủ để nuôi sống người lao động và các thành viên gia đình họ.

Góp phần thu hút cán bộ giỏi vào hệ thống tổ chức bộ máy, đặc biệt góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật, tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước”, ông Hiểu nói.

Lãnh đạo Công đoàn Việt Nam bày tỏ thêm Chính phủ cần có các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiềm chế đà gia tăng các mặt hàng thiết yếu, lĩnh vực nhất là giáo dục, y tế, xăng dầu để việc tăng lương thực sự ý nghĩa.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu – Ảnh: HẢI NGUYỄN

“Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế vui mừng khi tăng lương”

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình đánh giá mức tăng lương cơ sở 30% cao nhất lịch sử là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Nhà nước. Là người công tác lâu năm trong ngành y tế, bà Bình bày tỏ đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế rất vui mừng khi được tăng lương, đảm bảo cuộc sống bản thân và gia đình.

Ngược lại, đội ngũ lãnh đạo trong các đơn vị tự chủ tài chính phải tính toán, phân phối nguồn lực vì thực hiện tăng lương 30% vô cùng khó khăn, nhất là các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cân đối lại với những đơn vị thực hiện tự chủ thuộc hệ thống y tế dự phòng. Các đơn vị tự chủ sớm ban hành giá, lệ phí mới. 

“Dự phòng là sự cung cấp, chăm sóc của Nhà nước dành cho người dân, nên cần có sự cân đối để các đơn vị yên tâm hoạt động, cống hiến. Chúng tôi rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến ngành y tế, làm sao khối dự phòng yên tâm cống hiến, khối điều trị có nguồn thu”, bà Bình cho hay.

  • Lương công chức, viên chức tăng từ ngày 1-7: Dễ xem, dễ hiểu

Tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Ngọ Duy Hiểu cho hay 30 năm qua, các cấp công đoàn đã làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động.

Nhiều đoàn viên không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn tham gia, khởi xướng nhiều phong trào, cuộc vận động, mô hình hay, có sức lan tỏa rộng lớn.

Đó là cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo hay phong trào thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

“Với tinh thần nhìn lại để đi tới, đổi mới và phát triển, cán bộ, đoàn viên Công đoàn Viên chức Việt Nam nguyện kế thừa và phát huy truyền thống, nỗ lực không ngừng, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lập nên nhiều thành tích mới trong chặng đường tiếp theo”, ông Hiểu nói.

Đến nay, Công đoàn Viên chức Việt Nam có 60 đơn vị trực thuộc với hơn 600 công đoàn cơ sở. Số lượng đoàn viên chỉ từ 22.000 lúc mới thành lập (năm 1994), đến nay đã lên trên 84.000 đoàn viên.

Nguồn: tuổi trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay