PGS Lê Thanh Tâm nhấn mạnh Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng duy nhất có gần như tất cả các thành viên hội đồng quản trị đều giữ vị trí bộ trưởng, thứ trưởng. Không có quốc gia nào có mô hình này.
Sáng 2-7, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức hội thảo khoa học định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.
Hội thảo phục vụ xây dựng đề án tổng kết chỉ thị 40 năm 2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Có trưởng ban ngân hàng mặc áo phông đi vào hiệu thuốc đi ra phải đốt vía
Phát biểu khai mạc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Tuy nhiên, ông nói bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường, nhiều xu hướng mới xuất hiện đang đặt ra những yêu cầu mới với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.
Đồng thời, đặt ra những yêu cầu cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội…
Do vậy, ông đề nghị cần phân tích, thảo luận, làm rõ thêm về các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chỉ thị 40…
Riêng về tên ngân hàng, ông cho hay đã có “tranh cãi”. Trong đó, có người nói để tên Ngân hàng Phục vụ người nghèo vì tên đã đi vào cuộc sống nhiều năm. Có người nói tên Ngân hàng Nhân dân, có người nói Ngân hàng Chính sách.
“Nhưng chốt lại là Ngân hàng Chính sách. Trong đó, một là chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển. Còn với tên Ngân hàng Phục vụ người nghèo đi vào cuộc sống 7 năm nhưng tên đó cũng chưa được đón nhận.
Bởi Ngân hàng Phục vụ người nghèo thì hằng năm in lịch nhưng không ai treo. Có trưởng ban mặc áo phông đi vào hiệu thuốc đi ra phải đốt vía vì đằng sau có chữ Ngân hàng Phục vụ người nghèo…”, ông Thắng nêu và cho hay ngân hàng chính thức đi vào hoạt động ngày 11-3-2003.
Ông Thắng nhấn mạnh mô hình tín dụng chính sách xã hội là mô hình chỉ có tại Việt Nam và khi thành lập ngân hàng nhiều tổ chức quốc tế cũng băn khoăn.
Vì nguyên tắc thị trường, một tổ chức tín dụng cho vay lãi suất dương, đi vay để cho vay, nhưng chúng ta cho vay lãi suất âm. Thậm chí lãi suất 6% trong khi thị trường là 12% – 14%.
168.000 tổ vay vốn sẽ làm việc với người dân, 10.426 điểm giao dịch xã… Một mô hình gần dân, sát dân, vì dân, tiết kiệm chi phí tối đa cho người dân. Điều này giúp gói hỗ trợ chính sách được triển khai nhanh chóng”, ông Thắng nhấn mạnh thêm.
Mức độ bao phủ đứng số 1 thế giới
PGS.TS Lê Thanh Tâm, Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá có 9 điểm mạnh của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong đó, tại thời điểm thành lập, rất nhiều tổ chức quốc tế như World Bank, ADB đều đánh giá không cao mô hình Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhưng sau 30 năm, đã chứng minh đây là mô hình phù hợp và nhiều tổ chức quốc tế đã đến học tập Việt Nam.
Một điểm mạnh khác là mạng lưới hoạt động rộng khắp. Đây là ngân hàng duy nhất ở Việt Nam có chi nhánh đến 99,99% số xã.
“Có thể nói mức độ bao phủ của ngân hàng này đứng số 1 thế giới, không một ngân hàng ở quốc gia nào có được”, bà Tâm nêu.
Cùng với đó, bà nói mô hình hoạt động của ngân hàng vô cùng hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội địa phương. 4 tổ chức chính trị, xã hội là thành viên chủ chốt.
“Đây là ngân hàng duy nhất có gần như tất cả các thành viên hội đồng quản trị đều giữ vị trí bộ trưởng, thứ trưởng. Không có quốc gia nào có mô hình này.
Khi thực hiện các hoạt động này, các cán bộ thuộc tổ chức chính trị địa phương có trách nhiệm, tính sở hữu cao hơn với các tổ chức tín dụng khác”, bà Tâm nêu thêm.
Tuy nhiên, theo bà Tâm, vẫn có một số hạn chế như các sản phẩm chưa thực sự đa dạng, dịch vụ thanh toán còn hạn chế, thu hút nhân lực còn khó khăn…
Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Các ủy viên hội đồng quản trị: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Phạm Hồng Hương.
Ngoài ra, còn 2 ủy viên là ông Dương Quyết Thắng (tổng giám đốc) và ông Nguyễn Mạnh Tú (trưởng ban kiểm soát).
Nguồn: Tuổi trẻ