HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI vừa thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế.
Theo đó, bác sĩ cam kết làm việc tại các cơ sở công lập thuộc ngành y tế, ngành lao động thương binh và xã hội được nhận chế độ 1 lần 600 triệu đồng cho trình độ đại học; 700 triệu đồng cho bác sĩ nội trú, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I và 800 triệu đồng cho trình độ tiến sĩ, chuyên khoa cấp II. Nếu không nhận một lần, thì bác sĩ có thể nhận theo từng năm từ 60 – 80 triệu đồng trong vòng 10 năm.
Bác sĩ ở Bình Thuận tham gia khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Theo hình thức mời tham gia dự án, bác sĩ được nhận 80 triệu đồng/tháng thực tế làm việc, theo ngày làm việc là 3.636.000 đồng. Thêm vào đó, thanh toán tiền thuê chỗ ở 1 triệu đồng/ngày thực tế làm việc và chi phí đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc theo mức giá xe dịch vụ công cộng hiện hành tại địa phương.
Ngoài ra, bác sĩ làm việc tại trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (khu vực I, II, III) sẽ nhận được chế độ đãi ngộ, hỗ trợ hàng tháng hoặc theo ngày làm việc bằng 50 – 100% tổng mức lương đang hưởng.
Tỉnh Bình Thuận hiện có 949 bác sĩ. Trong đó, 713 người công tác tại 146 đơn vị sự nghiệp y tế công lập, 236 người làm việc trong các cơ sở y tế khác và phòng khám tư nhân.
Như vậy, Bình Thuận hiện đạt tỷ lệ 7,7 bác sĩ/vạn dân. Để đạt tỷ lệ 9 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025, tỉnh này cần có 1.156 bác sĩ nên cần thu hút thêm 184 người.
Tỉnh Bình Thuận cũng hỗ trợ (học phí, chi phí nghiên cứu và học tập) đào tạo bác sĩ cấp đại học và sau đại học đối với viên chức, sinh viên có cam kết làm việc lâu dài tại các cơ sở y tế công lập tại địa phương từ 10 – 14 năm. Nếu vi phạm cam kết, người trong diện này sẽ phải đền bù lại các khoản kinh phí đã được hưởng.