Khác thế hệ cha anh, gen Z cần ‘sống và làm việc’, không phải ‘sống để làm việc’

Thị trường lao động Trung Quốc đang “đau đầu” với một thế hệ người trẻ thích “nằm thẳng” – xu hướng mặc kệ đời, né tránh áp lực, chỉ muốn sống bình yên và không phải làm việc vất vả. Đây là hệ quả của nhiều yếu tố về kinh tế, xã hội. Trong đó, văn hóa làm việc 996 (9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) của các công ty công nghệ cũng góp phần không nhỏ khiến nhiều người trẻ ở đất nước tỷ dân kiệt sức, nản lòng, không còn muốn cống hiến.

Thế hệ Z của Việt Nam không như vậy, nhưng cũng không còn muốn ưu tiên mọi thứ cho công việc, gần như toàn bộ cuộc sống đều quay cuồng chạy theo hết deadline này đến deadline khác như các tiền bối. Dưới áp lực, người trẻ bây giờ biết cách tự điều chỉnh bằng các phương pháp cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Họ sẵn sàng xin phép nghỉ khi thấy mình không khỏe, tắt hẳn chuông báo điện thoại trong ngày nghỉ hoặc thậm chí đổi môi trường làm việc nếu không phù hợp… Đó là sự tiến bộ chứ không phải lười biếng hay vô trách nghiệm. Nếu công ty và người lao động không hợp nhau, sao không sớm kết thúc và tìm cơ hội khác?

Gen Z không hề lười biếng, chỉ ham hưởng thụ như những nhận xét đầy định kiến của nhiều cô chú, anh chị đi trước. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực từng ngày để đạt  những thành tựu cao trong công việc. Điều khác biệt giữa gen Z và các thế hệ trước là coi trọng hơn sự cân bằng giữa làm việc và tận hưởng cuộc sống, là biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn.

Với chúng tôi, sống và làm việc có giá trị ngang nhau. Người trẻ đương đại muốn “sống và làm việc”, chứ không phải “sống để làm việc”. Cuộc sống còn gì thú vị khi chỉ biết cắm mặt vào máy tính suốt cả ngày dài?

Khác thế hệ cha anh, gen Z cần “sống và làm việc”, không phải “sống để làm việc”. (Ảnh minh họa: Unsplash)© Được VTC News cung cấp

Hồi tháng 3, Anphabe công bố khảo sát “Xu hướng người đi làm và xu hướng sinh viên trong nửa cuối năm 2023”, thực hiện trên gần 65.900 người đã đi làm và hơn 9.600 sinh viên toàn quốc. Kết quả cho thấy 72% gen Z cần môi trường cho phép họ cân bằng công việc và cuộc sống.

Ba yếu tố quan trọng để người trẻ chọn công việc là phúc lợi tốt, lãnh đạo có tầm nhìn và đơn vị biết chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân viên. Thời kỳ của môi trường làm việc độc hại khuyến khích làm việc quá sức, tăng ca càng nhiều càng tốt với mức phúc lợi ít cần chấm dứt.

Từ bao giờ, chuyện nghỉ ngơi trong ngày nghỉ lại trở thành xa xỉ và bị coi là thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, điều đang diễn ra ở vô số công sở hiện nay?

“Sao ngày nghỉ em lại tắt điện thoại?”, một người sếp cũ đã quát lên với tôi như thế vào sáng thứ hai, khi tôi đang làm cho một công ty quảng cáo. Tôi đến công ty đúng giờ, nhưng luôn về khi đã tối, nhiều ngày rệu rã toàn thân vì 21h mới tan ca.

Về đến nhà, sau khi ăn uống tắm rửa, tôi không muốn và không thể làm gì khác hơn là lăn ra giường, cố ngủ nhanh chóng để hôm sau lặp lại guồng quay, thế nhưng sếp vẫn gọi, vẫn email, vẫn nhắn, âm thanh thông báo từ các nhóm chat của công ty vẫn liên tục vang lên. Công việc không chỉ chiếm 8 tiếng mỗi ngày, mà nhiều khi chiếm cả 24 tiếng, chiếm luôn tất cả mọi ngày trong tuần.

Qua thời gian dài như thế, tôi mất dần động lực làm việc, cũng không có thời gian để học tập những cái mới. Cuối cùng, tôi quyết định rời bỏ môi trường độc hại ấy để chuyển sang làm sáng tạo nội dung tự do.

Những năm qua, nhiều người trẻ trong độ tuổi 20 – 30 đã qua đời ngay trên bàn làm việc. Họ không bị bệnh tật giết chết, mà bị áp lực công việc sát hại. Một vị CEO nào đó từng nói người trẻ muốn thành công cần làm việc đến 16 – 18 tiếng mỗi ngày, nhưng với gen Z, thành công phải đi cùng với hạnh phúc và sự hài lòng với cuộc sống. Và gen Z dám đặt câu hỏi, người lao động chăm chỉ “làm việc quên cả sống” sẽ tạo thành công cho ai?.

Một khi công ty không chăm sóc nhân viên trẻ, sao lại bắt chúng tôi cống hiến hết mình cho công việc? Ngoài kia, còn rất nhiều điều thú vị cần khám phá, sao lại bắt chúng tôi coi công việc là toàn bộ cuộc sống?

Mỗi thế hệ có quan điểm và phong cách sống riêng biệt. Bắt người khác đi đôi giày của mình, sống theo cách của mình, đánh giá bằng thước đo của mình là trịch thượng và bảo thủ. Xin đừng bỏ ngoài tai ý kiến, quan điểm của những người trẻ tuổi, cho rằng gen Z lười biếng, sống không có lý tưởng. Lý tưởng không đồng nghĩa với việc bỏ quên bản thân.

Tại sao cứ phải coi công việc là tất cả mới là người có trách nhiệm? Trách nhiệm đối với cảm nhận hạnh phúc của chính mình không đáng trân trọng sao? Chúng ta kiếm nhiều tiền cũng là để có chất lượng sống tốt hơn, phải vậy không?

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Nguồn: ccvcnews

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay