Dù cầm trên tay tấm bằng đại học, thạc sĩ danh giá, 2/3 số người trẻ tại Hàn Quốc vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ.
“Bố mẹ tôi nói rằng thật căng thẳng khi thấy tôi ở nhà cả ngày lẫn đêm, nó khiến tôi tổn thương và khiến tôi phản ứng nhạy cảm mỗi khi gặp họ. Tôi e rằng tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi tôi già đi, vì việc kiếm được một công việc tử tế và tự chủ về tài chính sẽ càng khó khăn hơn”. – Kim Young-joon nói.
Tại Hàn Quốc, trường hợp của Kim không phải là hiếm khi thống kê cho thấy có tới 2/3 số người trẻ (từ 25 đến 34 tuổi) tại quốc gia này vẫn đang sống với bố mẹ hoặc thiếu sự độc lập về kinh tế dù sống tách biệt với bố mẹ. Thuật ngữ “bộ lạc kangaroo” từ đó cũng ra đời tại Hàn Quốc để thể hiện hình ảnh một người đã trưởng thành nhưng vẫn chưa rời khỏi sự bao bọc của bố mẹ.
Theo một nghiên cứu của Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc, tính đến năm 2020, có tới 66% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 34 thuộc nhóm “bộ lạc kangaroo”. Tỷ lệ này dao động trong khoảng 60% trong nhiều năm, bao gồm 62,8% vào năm 2012, 66,6% vào năm 2016 và 68% vào năm 2018.
Đa phần những người thuộc số này đều là những người thất nghiệp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả những người có việc làm đều sống độc lập với cha mẹ. Thống kê cho thấy khoảng 72,2% những người trẻ đang làm các công việc bán thời gian, công việc tạm thời hoặc lương thấp, việc làm không ổn định khác cũng sống chung với bố mẹ. Một bộ phận khác cũng sống chung với bố mẹ ngay cả khi đã trưởng thành là những người vừa đi nghĩa vụ quân sự về hoặc những người đang học tiếp lên cao học.
Jeon Young-soo, giáo sư tại trường Trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Hanyang, cho biết: ” Cái giá phải trả khi đối phó với ‘bộ tộc kangaroo’ sẽ ngày càng lớn hơn khi các cha mẹ họ già đi và đi đến tuổi nghỉ hưu. Việc này sẽ gây áp lực lên Chính phủ bởi vì cuối cùng chính phủ sẽ cần phải hỗ trợ họ và giúp họ sống sót theo đúng nghĩa đen”.
Đồng thời, giáo sư Jeon cũng đề nghị các bậc cha mẹ nên “để những người con đã trưởng thành tự quản lý và độc lập về vấn đề tài chính”.
“Những đứa trẻ sẽ cần phải tìm mọi cách có thể để tự mình tồn tại bất kể những thách thức kinh tế mà chúng gặp phải”. – ông nói.