Giải đáp về chính sách với thanh niên xung phong, đại diện Bộ Nội vụ cho biết theo quy định hiện nay, thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ từ 20 tháng trở lên sẽ được cộng điểm ưu tiên.
Sáng 5-4 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Trung ương Đoàn tổ chức Diễn đàn quốc gia với chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”.
Kiến nghị chính sách cho thanh niên xung phong, tình nguyện trong tình hình mới
Đồng chủ trì diễn đàn có anh Bùi Quang Huy – bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; ông Tạ Văn Hạ – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Vũ Trọng Kim, chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam; anh Nguyễn Tường Lâm – bí thư Trung ương Đoàn, phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.
Thay mặt ban tổ chức, ông Tạ Văn Hạ cho biết diễn đàn được tổ chức với mục đích góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.
Đồng thời nhận diện các bất cập của chính sách cũng như trong việc thực hiện chính sách đối với lực lượng này, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương quyết định những chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện phù hợp hơn.
Bên cạnh kết nối trực tiếp, diễn đàn được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tỉnh, thành đoàn trong cả nước. Nhiều câu hỏi được bạn trẻ đặt ra để hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện và việc triển khai thực hiện các chính sách này trong thực tiễn.
Chị Lê Thị Nguyệt (Hà Tĩnh) băn khoăn về hướng dẫn cụ thể để các ngành, các cấp thực hiện tuyển dụng ưu tiên với đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ?
Giải đáp nội dung này, bà Lương Thị Hải Anh – phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), cho biết hiện nay Nhà nước có hai luật liên quan đến cán bộ công chức đó là Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó có quy định về việc tuyển dụng đối với đối tượng này.
Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 138 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và nghị định 115 quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Cùng đó nghị định 115 cũng quy định thanh niên xung phong tham gia thi tuyển viên chức cũng được cộng 2,5 điểm khi vào vòng 2.
Ngoài ra, hằng năm các cơ quan có thẩm quyển sẽ ban hành kế hoạch và thông tin rộng rãi về việc thi tuyển công chức, viên chức để các ứng viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực, phù hợp với vị trí việc làm tham gia thi tuyển.
Anh Lê Minh Khoa – chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM gửi kiến nghị đến Bộ Nội vụ nghiên cứu để có quy định cụ thể về mô hình tổ chức thanh niên xung phong, nhằm đảm bảo chính sách của Nhà nước được thực hiện kịp thời và đồng bộ đối với thanh niên xung phong hiện nay.
Bà Hải Anh cho biết Bộ Nội vụ đã và đang phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn để đánh giá các mô hình thanh niên xung phong và kiến nghị đề xuất tới các cấp có thẩm quyền đưa ra hình thức cho phù hợp, phát huy tốt nhất vai trò của thanh niên, tổ chức thanh niên xung phong trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng hành hỗ trợ câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện
Chị Đỗ Thị Kim Hoa – giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia – cho biết mục tiêu năm 2030 tổ chức Đoàn, Hội định hướng, hỗ trợ đồng hành phát huy 3.000 đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện.
Trong đó, Trung ương Đoàn xác định triển khai các nhiệm vụ như tập huấn ban chủ nhiệm, đồng hành câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn, tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành Đoàn với đội nhóm, tuyên dương khen thưởng và xây dựng cổng thông tin kết nối với các câu lạc bộ, đội, nhóm.
Hiện nay, 100% các bạn tham gia tình nguyện trong mạng lưới Tình nguyện quốc gia đều được cấp giấy chứng nhận tình nguyện của trung tâm.
Nguồn: tuổi trẻ