Mới đây, TopCV đã công bố “Báo cáo thị trường tuyển dụng 2023 và nhu cầu tuyển dụng 2024”. Được biết, thông tin trong báo cáo dựa trên phân tích phản hồi từ 1.500+ doanh nghiệp hoạt động tại nhiều lĩnh vực và 1.500+ người lao động với cấp bậc kinh nghiệm đa dạng trên toàn quốc. Đồng thời, báo cáo cũng có sử dụng và tham chiếu các số liệu đáng tin cậy từ các trang thông tin chính thức của Chính phủ cùng các nguồn thông tin chuyên ngành uy tín quốc tế, được công bố rộng rãi trên các phương tiện đại chúng.
Trong đó, phần “những kỹ năng được doanh nghiệp đánh giá cao” được mọi người chú ý. Cụ thể, từ góc nhìn của người lao động, họ cho rằng 4 kỹ năng quan trọng hàng đầu giúp họ ghi điểm trên hành trình ứng tuyển bao gồm: Kinh nghiệm thực tế (87,19%), Kỹ năng mềm (58,07%), Ngoại ngữ (51,93%) và Học vấn (38,89%).
Còn ở phía doanh nghiệp – các đại diện thuộc bộ phận nhân sự cũng có chung góc nhìn với người lao động. Theo đó, họ cho rằng kinh nghiệm thực tế và kỹ năng mềm là 2 yếu tố hàng đầu trong việc cân nhắc tuyển dụng một ứng viên nào đó. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhỏ ở kỹ năng 3 và 4, nếu người lao động cho rằng ngoại ngữ là yếu tố quan trọng thứ 3 thì đối với nhà tuyển dụng, học vấn mới là yếu tố khiến họ đánh giá cao ứng viên hơn.
Từ thống kê, có thể nhận thấy trình độ học vấn không còn là ưu tiên số 1 trong quá trình tuyển dụng nữa, mà thay vào đó kinh nghiệm thức tế và kỹ năng mềm. Nói như vậy không phải là đánh giá thấp yếu tố về học vấn bởi vẫn luôn có những doanh nghiệp coi học vấn và bằng cấp là yếu tố quan trọng hàng đầu khi tuyển dụng. Song nhìn từ thực tế kể trên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng đang có một xu hướng tuyển dụng mới đề cao kinh nghiệm thực tế của ứng viên hơn là học vấn.
Trên thế giới thì sao?
Không chỉ tại Việt Nam, mà trên thế giới cũng có rất nhiều báo cáo, khảo sát chỉ ra xu hướng đề cao kinh nghiệm thực tế của người lao động hơn là trình độ học vấn. Một nghiên cứu do Morning Consult thực hiện, bao gồm các cuộc phỏng vấn và khảo sát cơ bản với 1.500 bạn trẻ Gen Z và hơn 600 nhà tuyển dụng nêu:
– 74% Thế hệ Z muốn học được những kỹ năng giúp họ tìm kiếm được một công việc tốt và 81% nhà tuyển dụng tin rằng họ nên xem xét về yếu tố kỹ năng hơn là bằng cấp khi tuyển dụng. 68% HR cho biết họ muốn tuyển dụng những người không có bằng cấp.
– Mặc dù hầu hết nhà tuyển dụng (72%) không coi bằng cấp là ưu tiên hàng đầu để đánh giá kỹ năng của ứng viên, nhưng đa số (52%) vẫn tuyển dụng những người có bằng cắp vì họ tin rằng đó là lựa chọn ít rủi ro hơn khi tuyển dụng. Song song với đó, sinh viên cũng mặc định phải có bằng vì 37% tin rằng nhà tuyển dụng thích những người có bằng cấp.
– Gen Z lo ngại bản thân sẽ phải đối mặt với quá nhiều rủi ro trong quá trình xin việc liên quan đến việc không học đại học sau khi tốt nghiệp trung học (65%).
Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội các trường Cao đẳng và Đại học Hoa Kỳ (AAC&U), nhà tuyển dụng lại đánh giá cao những ứng viên có trình độ đại học hơn. Theo khảo sát, 83% nhà tuyển dụng đồng ý với nhận định “những sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây sẵn sàng xông pha làm việc khi mới bước chân vào thị trường lao động”.
Hơn nữa, 80% người sử dụng lao động cũng đồng ý rằng sinh viên tốt nghiệp đại học được chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng “thăng tiến trong công việc”. Xa hơn, đa phần đều đồng ý rằng “giáo dục đại học đang chuẩn bị cho sinh viên những điều cần thiết để bước chân vào thị trường lao động”.
Điều này cũng thật đúng với nhận định của Giáo sư và Cố vấn Giáo dục Đại học – Diane Gayeski, việc sở hữu bằng cử nhân đem lại vô vàn lợi ích. “Bằng cử nhân không chỉ là sự chuẩn bị cho một công việc mới bắt đầu mà nó còn bước tạo đà cho cuộc sống trọn vẹn sau này, bao gồm cả việc khám phá những lĩnh vực việc làm phù hợp cho tương lai”.
Ý nghĩa thực sự của tấm bằng đại học
Như đã đề cập ở trên, sở hữu một tấm bằng đại học vẫn là một lợi thế lớn trong thị trường lao động hiện nay. Nó giúp bạn có thể học lên cao hơn như thạc sĩ hay tiến sĩ, hoặc chuyển sang những ngành khác có liên quan. Ngoài ra, bằng đại học cũng có thể mang lại cho bạn những cơ hội nghề nghiệp tốt với mức lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn.
Chính vì điều đó, nhiều người quan niệm rằng việc theo học tại các trường đại học đơn giản chỉ là để sở hữu tấm bằng rồi từ đó tìm kiếm được một công việc tốt. Tuy nhiên, giá trị thật sự của việc học đại học không chỉ dừng lại ở việc có được tấm bằng loại xuất sắc hay giỏi mà còn ở những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong suốt quá trình đó.
Tấm bằng đại học là chứng nhận cho thời gian và công sức bạn đã dành ra để học hỏi, nó quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công của bạn trong cuộc sống và sự nghiệp. Một người có thể có tấm bằng xuất sắc, nhưng nếu không biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, không sáng tạo, không có khả năng giao tiếp tốt, thì vẫn sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với những thay đổi không ngừng của thời đại. Do đó, trong quá trình học tại đại học, không nên chỉ tập trung vào việc lấy bằng mà cần xem đó là cơ hội để rèn giũa và phát triển bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.
Tương tự, trong mắt những người làm công tác tuyển dụng, tấm bằng không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Năng lực thực tiễn, kỹ năng mềm, và đặc biệt là kinh nghiệm làm việc, đều có sức nặng không hề nhỏ trong việc đánh giá một ứng viên tiềm năng. Các nhà tuyển dụng ngày càng hướng đến việc tìm kiếm những cá nhân có khả năng thực hành cao và có thể ứng dụng kiến thức vào công việc một cách linh hoạt.
Tóm lại, trong khi bằng đại học vẫn là một phần quan trọng không thể phủ nhận trong hồ sơ xin việc của bạn, việc phát triển toàn diện cả về kiến thức và kỹ năng sẽ là chìa khóa chính mở ra cánh cửa nghề nghiệp rộng lớn. Bởi vậy, sinh viên cần không ngừng học hỏi, rèn luyện để không chỉ là người giỏi về lý thuyết mà còn là người xuất sắc trong thực tiễn, sẵn sàng đối mặt và vươn lên trong môi trường lao động ngày càng đòi hỏi cao này.
Tổng hợp