Kiếm việc khó, bỏ phố về quê

Kinh tế có khởi sắc song dự báo vẫn còn khó nên dù không rầm rộ nhưng đang có làn sóng lao động chọn rời bỏ phố về quê. Những chuyến hồi hương bất đắc dĩ ngày một nhiều.

Công nhân, người lao động liên tục gặp khó, kiếm việc không ra nên chẳng đặng đừng đành bỏ phố về quê - Ảnh: C.TRIỆU

Công nhân không nhà cửa, tài sản gì lớn nên khi rời phố về quê cũng nghĩ như lần chuyển trọ. Nhưng cũng có người rời phố với kỳ vọng về một cơ hội mới.

Chưa biết ngày mai làm gì

Ngót nghét 10 năm Phạm Văn Tín (28 tuổi) mới đi họp lớp cuối năm với bạn học thời phổ thông. Lý do là sau ngày tốt nghiệp, Tín rời quê miền Trung chuyển hẳn vào Đồng Nai sinh sống. Nhưng lương công nhân may da giày không quá cao, quê lại xa, chi tiêu cần nhiều thứ nên số lần về thăm quê cũng thưa vắng.

Riêng buổi họp lớp hồi cuối năm này, Tín là người sôi nổi nhất đám. Anh bạn dõng dạc: “Từ nay về hẳn ở đây, không vào trong đó nữa, bạn bè có việc gì làm giới thiệu mình với nhé”.

Dù lương công nhân không cao nhưng nếu biết tằn tiện chi tiêu cũng ít nhiều có thể tiết kiệm. Tuy vậy, hai năm trở lại đây hầu như không còn được tăng ca, thu nhập liên tục giảm trong khi tiền nhà trọ, ăn uống vẫn “tăng phi mã” khiến Tín áp lực vô cùng.

Tín cũng nhảy việc mong tìm được chỗ ngon chút nhưng rồi cũng không khá hơn là mấy, còn đứt luôn cả lương thâm niên. Không bằng cấp, không tay nghề, cái CV “gần 10 năm kinh nghiệm làm công nhân” cũng chẳng giải quyết được gì. Chẳng đặng đừng, Tín quyết định rời phố về quê.

Sẵn cuộc liên hoan họp mặt bạn bè cuối năm lâu ngày gặp lại thì cười nói vui vậy nhưng sâu thẳm là chuỗi ngày phía trước chưa thấy tương lai gì khả dĩ cả.

“Cố gắng gượng trụ lại thì chắc cũng sống qua ngày, nhưng nếu lâu dài mà tình hình cứ vậy là không ổn. Dù về nhà nói thiệt vẫn chưa biết làm chi nhưng ít nhất cũng có nhà cửa thoáng mát chứ không phải ở trọ, lại được gần ba mẹ” – Tín ngậm ngùi.

Trước cứ nghĩ dù gì cũng có nhà cửa ổn định rồi nên sẽ mãi ở thành phố, nhưng đâu ngờ khó khăn ập tới và kéo dài vậy. Công việc khó kiếm, có cũng không phù hợp, cộng với cuộc sống ngột ngạt quá nên về thôi.
Anh ĐÀO DUY NGỌC (quận Bình Tân, TP.HCM)

Khó khăn cũng là cơ hội

Đón Tết Giáp Thìn vừa rồi cũng là chuyến hồi hương đặc biệt nhất với gia đình anh Hoàng Anh Quốc (40 tuổi, quê Thừa Thiên Huế). Chuyến đi cũng là ngày cả nhà chính thức rời vùng đất nghĩa tình TP.HCM sau 22 năm sinh sống.

Tốt nghiệp ngành bưu chính viễn thông, trở thành nhân viên kỹ thuật một công ty viễn thông lớn, Anh Quốc sớm mua được nhà ở TP.HCM. Nhiều năm trước, anh cùng một số người bạn hùn vốn mở công ty và bước đầu khá tốt. Nhưng hai năm kinh tế gặp khó, công ty của anh cũng không ít vất vả khi đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhiều đơn hàng của công ty anh khó hoàn thành. Trong khi đó hàng hóa tồn chất đống trong kho ngày một nhiều, nợ xấu tăng đột biến.

Mà toàn nợ khó đòi, có người còn bỏ trốn luôn rồi trong khi mỗi ngày mở mắt đều choáng với lãi suất ngân hàng. Quốc quyết định bán nhà, tất toán nợ, chuyển cả gia đình về Huế sinh sống.

Gần như anh phải làm lại từ đầu, cũng khó theo tiếp công việc bên viễn thông. Quốc chọn làm tài xế xe công nghệ như cách trở lại với quê nhà nhưng lại như vùng đất mới sau ngần ấy thời gian xa quê.

“Có thông tin Huế sắp lên thành phố trực thuộc trung ương, chắc tiềm năng và cơ hội sẽ còn nhiều. Khó khăn nên phải rời TP.HCM, nhưng có khi đó lại là cơ hội để mình đón đầu xu hướng phát triển ở quê nhà, còn được gần gia đình thì vẫn hơn” – anh Quốc nói.

Cho thuê nhà thành phố, về quê sống

Cuộc bỏ phố về quê với gia đình anh Đào Duy Ngọc (30 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) có phần nhẹ nhàng hơn chút. Ngọc từng có bảy năm làm tài xế xe tải, rồi bốn năm làm đầu bếp.

Nhưng dịch COVID-19 quét qua, Ngọc thất nghiệp. Lúc hậu COVID-19, anh gắng gượng với nghề đầu bếp nhưng cuối cùng đã chính thức nghỉ từ tháng 10-2023 vì lương thấp quá, sống không nổi.

Năm tháng qua, Ngọc xoay xở làm tài xế xe ôm công nghệ. Anh kể có ngày chạy liền 10 tiếng, bữa nào nổ cuốc liên tục, thu nhập có khi lên tới 3 triệu đồng/ngày. Nhưng cũng có hôm mở app từ sáng tới tối vẫn không đạt định mức tối thiểu (khoảng 450.000 đồng/ngày).

Có căn nhà phố ba tầng hiện đang ở tại quận Bình Tân (TP.HCM), hai vợ chồng anh tính hết tháng 3 này sẽ cho thuê lại rồi cả nhà dọn về Vũng Tàu ở.

Lý giải, Ngọc nói: “Một phần cũng ngán cảnh thành phố chật chội, không gian sống ngột ngạt, nhưng phần lớn vì thấy công việc ngày mỗi khó, dù mình đã nỗ lực nhiều song cũng không thấy có thành tựu gì đáng kể”.

Nguồn: ccvcnews

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay