Khó tìm được công việc phù hợp chuyên ngành học, nhiều sinh viên ở một số trường đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp lại có xu hướng xin làm công nhân, lao động phổ thông để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, không phụ thuộc vào gia đình.
Chật vật tìm việc
Là cử nhân ngành quản lý khách sạn nhưng nửa năm đầu sau khi tốt nghiệp, chị Phạm Thiên Nghi (SN 2001, TP Cần Thơ) vẫn không thể tìm được cho mình một công việc đúng chuyên ngành.
“Sau khi ra trường, tôi tham khảo trên các trang web việc làm và nộp hồ sơ vào một số nơi với hy vọng tìm được công việc phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết các nhà tuyển dụng có xu hướng tuyển nhân sự có kinh nghiệm và đó lại là điều một sinh viên mới ra trường như tôi đang thiếu”, chị Nghi chia sẻ.
Tốt nghiệp chuyên ngành điện lạnh, song anh Lê Hồng Phúc (SN 2001,TP Cần Thơ) lại khá chật vật để tìm việc sau khi ra trường. Anh Phúc cho biết, vừa tốt nghiệp, bản thân nhanh chóng nộp hồ sơ vào các doanh nghiệp để có việc làm ngay. Nhưng khi được mời phỏng vấn, do là sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm làm việc chưa có nên hồ sơ của anh cũng không được nhà tuyển dụng quan tâm.
Anh Phúc nói thêm, mấy tháng sau, anh có tìm được công việc liên quan đến điện lạnh nhưng mức lương khá thấp, cuộc sống không đảm bảo nên không thể gắn bó lâu dài.
“Khi tìm được công việc liên quan đến chuyên ngành tôi rất phấn khởi và muốn gắn bó lâu dài để thăng tiến. Nhưng với mức lương 5 triệu đồng/tháng (đã bao gồm phụ cấp) trừ tiền trọ, xăng xe, ăn uống, sinh hoạt… tôi chỉ vừa đủ sống mỗi tháng, những tháng có chuyện phát sinh còn thiếu. Vì vậy, làm được vài tháng tôi đã xin nghỉ”, anh Phúc tâm sự.
Chấp nhận làm lao động phổ thông
Khó khăn khi tìm việc đúng chuyên ngành hoặc tìm được nhưng mức thu nhập thấp khiến một số sinh viên quyết định chọn làm lao động phổ thông, công nhân.
Sau khoảng thời gian chật vật tìm việc nhưng không có tiến triển, chị Nghi đã nộp hồ sơ xin làm nhân viên toàn thời gian của một hệ thống cửa hàng cà phê. Nguyên nhân chị lựa chọn công việc này vì vị trí ứng tuyển không yêu cầu trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm và hấp dẫn hơn nữa là có thu nhập ổn định.
“Dù không liên quan đến chuyên ngành học cũng chưa có kinh nghiệm làm việc ở vị trí này nhưng khi nộp hồ sơ vào đây tôi đã nhanh chóng được hẹn phỏng vấn và nhận thử việc. Theo đó, tôi được phía tuyển dụng đào tạo các kỹ năng liên quan”, chị Nghi nói.
Thời gian đầu, chị Nghi có chút không quen và hơi tiếc nuối cho công sức học tập của mình, song dần dần, chị đã thích nghi với công việc. Với thu nhập ổn định từ 6 – 9 triệu đồng/tháng, chị hoàn toàn có thể đáp ứng đủ mức sống của bản thân và phụ giúp gia đình.
Từ bỏ cơ hội làm việc đúng chuyên ngành, anh Phúc quyết định đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) để có nguồn thu nhập ổn định trang trải cho cuộc sống: “Loay hoay tìm việc, không có thu nhập nên khi thấy các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông tôi đã nộp hồ sơ và dễ dàng được nhận vào làm việc. Vì hầu hết các nhà tuyển dụng không quá yêu cầu trình độ hay kinh nghiệm”.
Thời gian đầu làm việc, anh Phúc được công ty đào tạo và nhận lương bằng nhân viên chính thức. Đến thời điểm hiện tại, thu nhập của nam công nhân này dao động từ 7 – 9 triệu đồng/tháng, tùy vào việc có tăng ca hay không. Với mức lương này, anh có thể trang trải cuộc sống của bản thân, không phụ thuộc vào cha mẹ.
Nam công nhân cũng tâm sự thêm, dù vị trí đang làm không liên quan đến chuyên ngành học nhưng với thu nhập ổn định, bản thân anh cũng hài lòng với công việc hiện tại.
Nguồn: lao dong