img_0

Việc ngồi xuống để nhìn nhận và đánh giá một năm trôi qua thế nào cần có thời gian, sự kiên nhẫn và cả việc phải chịu đựng những khó chịu khi chúng ta tự hỏi mình những câu hỏi khó. Sau một năm bận rộn với kỳ nghỉ lễ kéo dài, chúng ta đang khao khát được nghỉ ngơi, thư giãn, đây không hề là thời điểm mọi người muốn tìm kiếm câu trả lời trong năm của mình. Nhưng việc đánh giá hàng năm là cơ hội để chúng ta tạm dừng những guồng quay cuộc sống để nhìn nhận và xem xét lại hành động của mình trong 12 tháng qua – những điều tốt lên, những điều tồi tệ đi và cả những thứ đang ở mức cân bằng.
Đánh giá hàng năm buộc tôi phải xem xét hành động của mình trong 12 tháng qua và hỏi: “Liệu những lựa chọn của tôi có đang giúp tôi có được cuộc sống mà tôi mong muốn không?”
James Clear – chuyên gia năng suất & tác giả Atomic Habits

Tại sao bạn nên thực hiện đánh giá hàng năm?

Nếu không suy ngẫm và đánh giá hàng năm, chúng ta sẽ chuyển từ năm này sang năm khác một cách rất mờ nhạt. Chúng ta không khách quan nhìn nhận những thành công của mình, cũng như học hỏi từ những thất bại và đánh giá xem liệu những gì chúng ta đang làm có phải là điều chúng ta thực sự muốn hay không. Bằng cách dành thời gian suy ngẫm, bạn sẽ nhận thức tốt hơn mọi thứ bản thân đã trải qua để cải thiện cho năm sắp tới.

1. Dành thời gian để suy ngẫm

Mặc dù có 8.760 giờ mỗi năm, nhưng hầu hết chúng ta dành rất ít thời gian cho việc suy ngẫm có mục tiêu. Đó là một trong những thứ quan trọng nhất nhưng có vẻ do không khẩn cấp nên ít khi nằm trong danh sách ưu tiên của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta lại mặc định làm những việc giống nhau ngày này qua ngày khác.
Đánh giá hàng năm chỉ mất một ít thời gian trong 8.760 giờ của bạn và giúp bạn nhìn nhận cũng như thu thập thêm được thông tin về bản thân một cách khách quan nhất cho năm sắp tới. Điều này có thể giúp bạn tìm kiếm một công việc lý tưởng hơn hoặc kết nối lại với một người thân yêu của mình.

2. Tưởng thưởng cho thành tích của bản thân

Tâm trí của chúng ta có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực. Chúng ta thường có xu hướng tập trung vào sự mất mác hơn là những gặt hái nho nhỏ (những cơ hội chưa nắm bắt được, sự thăng tiến lẽ ra có thể đạt được, những thứ thường có nhưng bỗng không được nữa).
Ngay cả khi chúng ta đạt được mục tiêu của mình, chúng ta quên mất chiến thắng của mình một cách nhanh chóng và lại luôn truy cầu thành tích tiếp theo.
Ví dụ cụ thể như: bạn đang làm ăn nhỏ và bị bỏ lỡ những hợp đồng ngon từ 1 số công ty, vì vậy bạn mong muốn thành lập công ty để dễ dàng có được những hợp đồng này. Sau bao khó khăn về tài chính, thủ tục, nhân sự,… bạn đã mở rộng hơn hoạt động kinh doanh và thành lập được công ty của mình. Lúc này, bạn đã dễ dàng có được 1 số hợp đồng lúc trước đã bỏ lỡ, nhưng ngay lúc này đây bạn vẫn không thể hài lòng vì cộng đồng trong ngành của bạn đa dạng sản phẩm hơn, từ đó tệp khách hàng họ rộng hơn và bạn thấy không vui vì điều đó và đang nóng vội vay vốn để phát triển ngay lập tức. Trong kinh doanh, việc mở rộng là một điều khá tuyệt vời và dễ hiểu khi ta muốn hướng đến, thế nhưng bạn của tôi ơi, mãi so sánh và chạy theo người khác không bao giờ làm bạn hạnh phúc đâu. Bạn quên rằng bạn đã vừa đạt được một bước ngoặt mới trong sự nghiệp của mình? Bạn đã quên mất những điều mình đã gặt hái được trong năm qua.
Lúc này đây, há chẳng phải tốt hơn khi bạn cho phép bản thân dừng lại, phát triển một cách ổn định hơn với từng bước nhỏ, nghiên cứu thị trường kỹ hơn, có kế hoạch cụ thể hơn về cả nhân sự, năng lực, tài chính,… để có sự mở rộng và phát triển bền vững, lâu dài cho doanh nghiệp của mình. Hãy nhìn nhận và ăn mừng cho thành quả nhỏ trước nhé!
Tóm lại, hãy cho phép bản thân ghi nhận và ăn mừng những chiến thắng của mình (những chiến thắng lớn và nhỏ; những chiến thắng mà bạn đã muốn hướng tới và những chiến thắng bạn vô tình đạt được). Bạn có thể ngạc nhiên về những gì mình khám phá được khi dành thời gian nhìn nhận mọi việc.

3. Tìm kiếm cơ hội cải tiến

Đôi khi chúng ta tránh suy ngẫm vì sợ những gì mình sẽ phát hiện ra, muốn né tránh và ghét việc bản thân mình đã phạm sai lầm.
Thay vào đó, hãy nhìn nhận khách quan một năm đã qua của bạn. Hãy tìm hiểu hơn là phán xét để có cơ hội thực hiện những điều khác biệt trong năm tới.
Ví dụ bạn nghĩ rằng thức nhiều hơn để làm việc sẽ hoàn thành được nhiều task hơn nhưng khi đánh giá lại, bạn có thể phát hiện ra rằng giấc ngủ kém chất lượng, không đủ giấc (ít nhất 6 tiếng mỗi ngày) đã khiến bạn giảm năng suất làm việc, chất lượng công việc giảm sút. Năm tới, hãy thử ngủ đủ giấc xem có giúp cải thiện hơn không nhé!
Một ví dụ về quản lý thời gian: bạn thấy 24h/ngày là không đủ, bạn không có thời gian dành cho gia đình, không có thời gian tập thể dục, nhưng bạn lại dành hàng giờ mỗi ngày để lướt Tiktok, facebook, tán gẫu trên Zalo, Messenger, imessage,… nhưng khi đánh giá lại, bạn có thể thấy rằng bạn có thể cân đối giảm lại thời gian trên các thiết bị điện tử để dành tối thiểu 3h/tuần để tập thể dục, dành 1 tiếng mỗi ngày để trò truyện với ba mẹ/con cái hay đơn giản hơn là ngồi ăn cơm cùng gia đình. Đừng tự lừa dối bản thân rằng bạn dùng điện thoại là có lý do chính đáng như (không muốn bỏ lỡ tin tức, cần trao đổi để nắm bắt tình hình,…). Hãy thành thật với bản thân liệu bao nhiêu thời gian đó có thật sự cần thiết? Liệu có thể giảm để dành thời gian cho những mục tiêu mà mình không bao giờ thực hiện được như giảm cân, thay đổi công việc, học một thứ gì đó,…
Lại là một ví dụ nữa về quản lý thời gian: ví dụ bạn ở độ tuổi trưởng thành, bạn cảm thấy bế tắt về tương lai, lo lắng cho con đường sự nghiệp của mình. Nhưng thay vì tìm hiểu về cuộc sống, về công việc, học những kỹ năng cần thiết, bạn dành hàng giờ mỗi ngày để đi la cà cùng bạn bè; để rồi khi về đến nhà chỉ thấy kiệt sức và nằm dài ra. Đôi lúc đánh giá lại từng thứ nhỏ nhất trong cuộc sống có thể giúp bạn nhìn nhận lại hoặc phát hiện rằng bạn đã lãng phí thời gian đến mức nào và làm gì đó để thay đổi trong tương lai. Tất nhiên, việc đòi hỏi bạn cắt hoàn toàn thời gian để giải trí, hay dành cho bạn bè ở độ tuổi này sẽ là khá tồi tệ. Nhưng thay vì dành hàng giờ mỗi ngày để la cà, tán gẫu, hãy bớt lại dần. Có thể bắt đầu với việc rút ngắn thời gian gặp gỡ hơn, thay vì mỗi cuộc hẹn 3 tiếng, hãy rút còn 1-2 tiếng, hay chọn lọc để giảm bớt đối tượng gặp gỡ xuống, dành thời gian cho những mối quan hệ mình thật sự thích. Hoặc thay vì la cà 5-7 ngày mỗi tuần, hãy giảm xuống còn 3 ngày. Hãy thử trong năm tới xem bạn có nhiều năng lượng hơn không? Và hãy thử dành thời gian để phát triển bản thân của mình. Đó là chưa kể đến việc bạn sẽ tiết kiệm được khá khá tiền để có thể lập kế hoạch đi du lịch để trải nghiệm, để thư giãn, hay cho một ước mơ nhỏ nào đó bắt đầu từ một số vốn ít ỏi.
Mặc dù đối mặt trực tiếp với những thiếu sót của bản thân không phải là điều dễ dàng, nhưng hãy xem xét việc điều chỉnh lại để cải thiện bản thân: hãy tò mò để phát triển, đừng phán xét hay tự chỉ trích.

4. Đặt mục tiêu tốt hơn

Chúng ta đều có khả năng chạy nhanh hơn, viết tốt hơn, làm việc thông minh hơn và bất cứ điều gì khác mà chúng ta thật sự quyết tâm muốn hướng đến. Hãy thử đặt ra những mục tiêu táo bạo có thể khiến chúng ta không thấy thoải mái và dễ dàng. Nhưng hãy nhớ rằng những mục tiêu đầy tham vọng của chúng ta cũng phải căn cứ vào thực tế.
Đánh giá năm vừa qua sẽ giúp bạn tự chấm điểm cho bản thân mình, mình đang ở đâu, mình giá trị bao nhiêu, có thể khá hơn bao nhiêu để giúp bạn có thể đặt mục tiêu tốt hơn cho năm tiếp theo.
Ví dụ bạn khá tự tin vào khả năng viết của bản thân, vì vậy bạn cứ thế nghĩ ra ý tưởng, lên chủ đề và viết theo như thường lệ mà không đặt thêm mục tiêu sẽ cải thiện cách viết của mình, vậy chẳng phải bạn sẽ giậm chân tại chỗ hay sao? Đó là chưa kể đến những công cụ ngày càng được phát triển giúp bạn có thể tận dụng để tối ưu hơn cho công việc của mình. Hãy thử dành thời gian đánh giá lại những bài viết của bản thân mình, và hãy đọc nhiều những bài viết của các tác giả nổi tiếng khác (cũng lĩnh vực viết hoặc cùng chủ đề) để có thể xem mình có học được gì từ họ và có thể nhìn nhận được gì từ họ. Bạn cũng có thể luôn tìm hiểu các công cụ hỗ trợ để giúp việc viết lách được tối ưu hơn. Và mình nghĩ rằng ai đi nữa cũng có thể tiến bộ hơn qua thời gian. Như về việc viết, bạn có thể cải thiện văn phong, cách trình bày, cách tìm và chọn lọc thông tin, cách viết sao cho thuyết phục, và đỉnh cao của một bài viết hay đó là đưa ra được những thông tin, góc nhìn hữu ích. Điều này không quá khó cho một writer để có thể tiến tới!
Một ví dụ khác là bạn đã đạt chứng chỉ IELTS 6.0, mức này mình công nhận là cũng khá khó để có thể đạt được. Thế nhưng, nếu tìm thông tin trên 1 số đầu job (đặc biệt là công ty hướng đến khách hàng nước ngoài hoặc công ty đa quốc gia) thì rất nhiều vị trí yêu cầu mức IELTS trên 6.5. Vậy việc đặt ra mục tiêu luyện thêm để có chứng chỉ IELTS trên 6.5 trong năm mới là một mục tiêu đáng để theo đuổi.
Nhưng việc đặt mục tiêu tập luyện hàng ngày và lập kỷ lục 365 ngày có lẽ là một cách tự lừa dối bản thân. Rất khó cho hầu hết mọi người để có thể thực hiện được. ????
Đánh giá hàng năm giúp chúng ta đặt ra các mục tiêu đầy hứa hẹn cũng như đưa ra giải pháp mà chúng ta thực sự có thể đạt được nhưng cũng đầy tính khá thi.

Cách thực hiện đánh giá hàng năm

Không thật sự có cách nào chung để thực hiện đánh giá hàng năm:
– Nếu bạn đã bắt đầu một năm với một loạt mục tiêu cụ thể, bạn có thể xem xét và đánh giá lại từng mục tiêu một xem bạn đã đạt được gì, thiếu sót gì.
– Nếu bạn thích review theo dòng sự kiện của bản thân, bạn có thể xem lại năm của mình theo từng tháng, kiểm tra theo thứ tự thời gian qua các mục nhật ký (nếu có), kiểm tra các ghi chú và ảnh chụp nhanh trên thư viện ảnh của bạn.
– Nếu bạn thích xem xét qua các chỉ số, việc xem qua các số liệu đã được bạn ghi chú lại thì khá tuyệt vời cho việc bạn xem xét và đánh giá.
– Nếu chưa ghi chú gì, hãy bắt đầu ngay từ năm sau nhé! Còn năm nay, chúng ta hãy sử dụng trí nhớ, check email, lịch làm việc, lịch tập luyện, các dòng sự kiện đã chia sẻ qua Facebook, Zalo, Instagram,… để review lại một năm đã qua. Yên tâm đi, vì mình sẽ hướng dẫn các bạn chia nhỏ các mục mà hầu hết đều ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta để có cái nhìn toàn diện về năm của bạn, từ công việc, tài chính, việc học, tập luyện đến các mối quan hệ,…

1. Công việc

Một năm đã trôi qua với việc chạy đua cùng deadline để hoàn thành công việc đúng thời hạn. Hãy suy ngẫm xem bạn đang tiến về phía trước hay đang cảm thấy trì trệ trong công việc hoặc sự nghiệp của mình.
???? Bạn cần dữ liệu gì: Hãy xem email công việc, lịch làm việc, các nền tảng quản lý công việc (Trello, Monday, Notion, Jira,…) của bạn để có được bức tranh đầy đủ về những gì bạn đã làm trong năm. Xem lại các ghi chú với đối tác, người quản lý, đồng nghiệp, hoặc nhân viên của bạn.
– Xem xét các dự án yêu thích: Hãy nghĩ về những task và dự án mang lại cảm giác thử thách nhưng thú vị mà bạn đã làm trong năm qua. Hãy ghi chú lại loại công việc mà bạn thấy hài lòng nhất. Hãy viết ra những thứ bạn cần thực hiện để có thể trải nghiệm được nhiều hơn loại công việc như vậy trong năm mới, bao gồm mọi trở ngại mà bạn có thể cần phải vượt qua để có được công việc/dự án mà bạn yêu thích.
– Suy ngẫm về những thách thức lớn nhất của bạn: Hãy xem xét bất kỳ thách thức nghề nghiệp nào khiến bạn không hài lòng, cản trở bạn đạt được mục tiêu nghề nghiệp hoặc đơn giản khiến công việc của bạn trở nên khó khăn hơn. Đây có thể là bất cứ điều gì, từ mối quan hệ trong công việc đến công việc bận rộn chiếm quá nhiều thời gian. Hãy viết ra cách bạn có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ những thách thức này trong năm tới. Đừng giới hạn phạm vi giải pháp của bạn – hãy tận dụng khả năng có một công việc mới hoặc một con đường sự nghiệp mới nếu cần thiết.
– Hãy suy nghĩ về con đường phát triển sự nghiệp: Công việc của chúng ta trở nên nhàm chán khi bản thân chúng ta giậm chân tại chỗ. Hãy suy ngẫm về những kỹ năng mới mà bạn đã học được trong năm qua hoặc những cơ hội mà bạn có để tiếp cận để phát triển khả năng của mình so với trước đây. Nếu mọi thứ vẫn như cũ, hãy cân nhắc xem điều đó có phù hợp với bạn hay đã đến lúc thử điều gì đó mới.
Hãy trả lời những câu hỏi sau về công việc:
– Bạn đã từng cảm thấy mình làm một việc như mình được sinh ra cho công việc đó? Vào lúc nào?
– Bạn đã cải thiện kỹ năng và chuyên môn của mình như thế nào?
– Có mối quan hệ công việc nào được thiết lập trong năm nay (đối tác, đồng nghiệp, cấp trên,…)?
– Điều gì bạn đã làm trong năm nay khiến bạn tự hào nhất?
– Bạn đã hỗ trợ đồng nghiệp của mình trong công việc như thế nào?
– Bạn đã học được gì từ những sai lầm trong công việc mà bạn mắc phải?
– Bạn có tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không?
– Bạn thực sự làm được bao nhiêu việc mỗi ngày?
– Bạn có hài lòng với những gì bạn đã đạt được trong năm nay? (hãy tính theo thang điểm 0-10)
– Những yếu tố nào có thể đã góp phần khiến bạn đạt được thành tích ít hơn mong muốn trong năm nay?
– Khi nào bạn làm việc hiệu quả nhất? Làm cách nào để được như vậy thường xuyên hơn?
– Khi nào bạn làm việc kém hiệu quả nhất? Làm thế nào để có thể tránh những tình trạng này?

2. Tài chính

Đánh giá toàn bộ tình hình tài chính của bạn trong năm qua, cho dù đó là việc bạn đang nợ một khoản nhỏ, bạn đã trả hết một phần nợ thẻ tín dụng hay tiết kiệm đủ để bắt đầu một dự án nhỏ, bắt đầu dành một số tiền nhàn rỗi để đầu tư. Hãy xem xét liệu bạn có hay vượt quá giới hạn chi tiêu của mình hay quá nghiêm ngặt trong việc chi tiêu không?
???? Bạn cần dữ liệu gì: Hãy xem trực tuyến số dư tài khoản ngân hàng và bảng sao kê thẻ tín dụng của bạn. Ngoài ra, hãy kiểm tra bất kỳ khoản đầu tư nào bạn có thể đã thực hiện và liệu chúng tăng hay giảm. Bạn có thể lập bảng thống kê trên Google Sheet hoặc Exel để tổng hợp và dễ theo dõi tài chính của mình.
– Xem tiền của bạn đã đi đâu: Ngoài những con số lớn, cũng hãy list ra chính xác tiền của bạn đã chi vào đâu. Xem xét các danh mục như hóa đơn, thực phẩm, quần áo, giải trí, đồ gia dụng, chăm sóc trẻ em,… Hãy dành thời gian để đánh giá các danh mục chi tiêu lớn nhất của bạn và xem liệu có chỗ nào để điều chỉnh và phân bổ lại hay không.
– Tìm hiểu số tiền bạn kiếm được, chi tiêu và tiết kiệm: ghi lại thu nhập của bạn từ tất cả các nguồn, số tiền bạn chi tiêu cũng như bất kỳ khoản tiết kiệm, bất kỳ khoản nợ nào. Hãy xem xét liệu số tiền này có phù hợp với mục tiêu tài chính của bạn hay không. Nếu không, hãy ghi lại những ý tưởng về cách bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn hoặc tiết kiệm nhiều hơn hoặc chi tiêu ít hơn.
– Phân bổ dòng tiền: Ghi chú lại cách bạn chi tiêu, đầu tư/tiết kiệm với thu nhập của mình trong năm nay và lên kế hoạch phân bổ tài chính trong năm tới.
Hãy trả lời những câu hỏi sau về tài chính của bạn:
– Bạn có hài lòng với số tiền bạn kiếm được, chi tiêu và tiết kiệm không?
– Những thói quen nào ảnh hưởng đến thành công hay thất bại về mặt tài chính của bạn?
– Bạn có đang sử dụng thu nhập của mình để phục vụ cho các mục tiêu khác trong cuộc sống không?
– Bạn đã tiêu bao nhiêu cho những thứ mà bạn quan tâm? Bạn có thấy ổn không?
– Bạn có thể làm những gì để cải thiện tài chính trong năm tới?

3. Các mối quan hệ

Hãy suy ngẫm về các mối quan hệ trong cuộc sống của bạn: vợ/chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, bạn bè,… Hãy nghĩ lại những khoảnh khắc đáng nhớ với bạn bè và gia đình. Hãy xem xét những cuộc trò chuyện ý nghĩa nhất của bạn, cả những cuộc trò chuyện đầy tình cảm và những cuộc trò chuyện đầy thú vị. Hãy cân nhắc xem bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho những người bạn yêu thương và liệu bạn có ưu tiên sự hiện diện của họ trong cuộc sống của mình hay không?
???? Bạn cần dữ liệu gì: Nhìn lại lịch hoặc danh sách việc cần làm để kiểm tra thời gian bạn dành cho mọi người trong cuộc sống của bạn. Xem lại tin nhắn văn bản, nhật ký điện thoại, email và thậm chí cả tin nhắn trên mạng xã hội của bạn. Lật qua thư viện ảnh trên điện thoại của bạn. Hãy tham khảo lại những mục nhật ký (nếu có) mà bạn có thể đã đề cập đến những người trong cuộc sống của mình.
– Hãy xem xét những người quan trọng nhất trong cuộc đời bạn: Ghi lại tên của những người mà bạn coi trọng sự hiện diện của họ trong cuộc sống, ngay cả khi những mối quan hệ đó không phải lúc nào cũng dễ dàng và êm đẹp. Hãy xem xét liệu bạn có dành đủ thời gian cho họ trong năm qua hay không, những kỷ niệm yêu thích, những bài học lớn nhất và ý tưởng để dành nhiều thời gian hơn cho họ trong năm mới. Nếu mối quan hệ với bất kỳ ai trong số những người này trở nên căng thẳng, hãy suy nghĩ kỹ về nỗ lực cần thiết để hàn gắn những mối quan hệ đó và liệu đó có phải là một mục tiêu đáng theo đuổi hay không?
– Hãy suy nghĩ về cách bạn hỗ trợ những người thân yêu của mình: Các mối quan hệ là một điệu nhảy của sự cho và nhận lẫn nhau. Hãy xem xét bạn cho đi bao nhiêu. Viết ra những cách bạn đã hỗ trợ mọi người trong cuộc sống và những khoảng thời gian bạn có thể gặp khó khăn. Hãy suy nghĩ xem bạn có thể làm gì nhiều hơn để thể hiện sự quan tâm của mình với những người thân yêu – cho dù đó là những tin nhắn chu đáo hay sắp xếp thời gian để nói chuyện giữa những ngày bận rộn.
Nghĩ về sự kết nối của bạn với người khác: Xem xét liệu bạn có cảm thấy được hỗ trợ trong cuộc sống hay có thể đang thiếu sự kết nối có ý nghĩa. Nếu bạn muốn xây dựng các mối quan hệ mới trong năm mới, hãy viết ra hoặc tìm kiếm các chiến lược tìm kiếm bạn bè, theo đuổi việc hẹn hò hoặc kết nối cộng đồng.
Hãy trả lời những câu hỏi sau về bạn bè, gia đình và các mối quan hệ của bạn:
– Những mối quan hệ nào bạn nghĩ là tích cực?
– Những mối quan hệ nào bạn nghĩ là độc hại?
– Bạn đã dành đủ thời gian cho những người thân yêu của mình chưa?
– Bạn đã ưu tiên những điều gì trong các mối quan hệ của mình? Những điều đó có đáng không?
– Bạn đã gặp phải những thách thức cụ thể nào trong các mối quan hệ của mình?
– Những khoảnh khắc tuyệt vời nhất với bạn bè và gia đình của bạn trong năm qua là gì?
– Có người nào bạn muốn thân thiết hơn trong năm mới không?
– Bạn muốn phát triển những mối quan hệ mới nào trong tương lai?

4. Học hỏi

Cuộc sống sẽ ngày càng tốt hơn khi ta luôn học hỏi và cải thiện. Hãy xem xét sự tò mò và tìm tòi của mình đã giúp được gì bạn trong năm qua. Cho dù bạn đi học, tham gia các khóa học trực tuyến, nghe podcast, đọc blog, đọc sách, hay bất cứ bài viết hoặc cuộc trò chuyện nào, hãy nghĩ về những gì bạn đã học được. Việc tự tìm hiểu cũng quan trọng như những điều bạn học được trong sách giáo khoa.
???? Bạn cần dữ liệu gì: Xem lịch hoặc email của bạn để biết lời nhắc về các khóa học hoặc hội nghị bạn đã tham dự. Hãy sử dụng giá sách hoặc các ứng dụng đọc sách của bạn (ví dụ GoodReads, Kindle, Audible, Pocket) để ghi lại mọi thứ bạn đọc. Tham khảo ghi chú hoặc nhật ký của bạn để biết bất kỳ bài học cuộc sống nào bạn đã học được trong suốt chặng đường, dù là qua suy ngẫm hay trò chuyện với người khác.
– Ghi chú lại những kiến ​​thức hoặc kỹ năng mới: Ghi chú lại những điều bạn biết bây giờ nhưng trước đây bạn chưa làm và những gì bạn có thể làm bây giờ mà trước đây bạn không thể làm. Ghi lại các mốc như xây dựng cộng đồng trên Facebook từ đầu hoặc nấu món bít tếch hoàn hảo. Liệt kê những cuốn sách hoặc bài báo có ảnh hưởng nhất mà bạn đã đọc giúp bạn mở mang, suy nghĩ khác biệt hoặc làm bạn quan tâm sâu sắc hơn đến một lĩnh vực cụ thể. Viết ra bất kỳ môn học hoặc kỹ năng nào bạn muốn ưu tiên học trong năm tới.
– Điều kiện lý tưởng để bạn học hỏi: Khi nghĩ về những gì bạn đã học, hãy xem xét bạn đã học như thế nào. Lưu ý cách thức và thời điểm bạn thấy được học hỏi tốt nhất – cho dù đó là tham gia một khóa học chính thức hay làm việc trực tiếp với trưởng nhóm. Sử dụng thông tin này để lập kế hoạch về cách bạn tiếp thu những kỹ năng và kiến ​​thức mới trong năm mới.
– Nghĩ về những bài học trong cuộc sống cá nhân của bạn: Viết ra những bài học cá nhân hàng đầu trong năm của bạn – cho dù chúng thuộc danh mục “mối quan hệ” hay “công việc”,… Hãy xem xét những trải nghiệm nào trong cuộc sống đã giúp hình thành và thay đổi quan điểm của bạn trong năm nay.
Hãy trả lời những câu hỏi sau:
– Có những việc nào khác cần ưu tiên hơn mà đã ngăn cản bạn học những thứ mình muốn?
– Điều gì tác động đến bản thân nhất mà bạn ngộ ra trong năm nay?
– Bạn đã học hỏi tốt nhất trong hoàn cảnh (thời gian, cách thức) nào?
– Bạn nên tập trung phát triển kỹ năng nào trong năm tới?
– Làm thế nào bạn có thể phát triển tốt hơn trong năm tới?

5. Sức khỏe

Hãy xem xét sức khỏe tổng thể của bạn trong năm qua (sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần của bạn). Hãy xem liệu bạn đã ăn những thực phẩm khiến bạn cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng hay những thực phẩm khiến bạn cảm thấy khó chịu, cả về tinh thần và thể chất. Kiểm tra mức độ tập luyện và các hoạt động thể chất của bạn để xem liệu bạn có ưu tiên vận động cơ thể hay không. Đánh giá sức khỏe cảm xúc và tinh thần của bạn, mọi thứ từ tâm trạng cho đến thời gian bạn dành cho việc chăm sóc bản thân
???? Bạn sẽ cần dữ liệu gì: Nếu bạn theo dõi việc ăn uống của mình, hãy kiểm tra các đơn đặt hàng trên Shopee Food, Grab Food và bảng sao kê ngân hàng cũng sẽ cung cấp manh mối về chế độ dinh dưỡng của bạn trong năm vừa qua. Kiểm tra bất kỳ dữ liệu hoạt động thể chất nào mà bạn có thể có (app sức khỏe, tập luyện,…). Kiểm tra lịch và danh sách việc cần làm để xem liệu bạn có ưu tiên thời gian dành cho việc chăm sóc bản thân và các hoạt động để nâng cao sức khỏe hay không (ví dụ: thời gian nghỉ phép, tập luyện, trị liệu,…). Xem xét mọi dữ liệu về giấc ngủ mà bạn có thể có từ thiết bị sức khỏe (nếu có).
– Ghi lại các bài tập của bạn: Xem lại các hoạt động thể chất của bạn – từ việc tập Yoga, Gym, võ, đến đi bộ vài lần một tuần. Cố gắng xem xét bất kỳ xu hướng vận động nào, chẳng hạn như tập thể dục ít hơn trong một tháng làm việc căng thẳng hoặc tập luyện nhiều hơn trong mùa xuân và mùa hè. Sử dụng bất kỳ thông tin chi tiết nào để làm cơ sở cho các mục tiêu hoạt động bạn đặt ra cho năm tới. Hãy nghĩ lại về bất kỳ chấn thương nào và liệu bạn có cho cơ thể đủ thời gian để hồi phục hay không. Đừng quên nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Hãy xem xét chất lượng giấc ngủ và suy nghĩ xem liệu bạn có thức dậy và nghỉ ngơi mỗi ngày đủ không.
– Xem xét chế độ dinh dưỡng của bạn: Nhìn lại những gì bạn đã ăn trong năm qua và đánh giá xem những gì bạn đang hấp thụ có khiến bạn cảm thấy ổn hay không. Hãy xem xét mọi thứ, từ việc hấp thụ caffeine đến lượng rượu bạn uống. Ghi lại những thực phẩm giàu dinh dưỡng mà bạn muốn bổ sung vào chế độ ăn uống của mình và viết ra những điểm cần cải thiện.
– Suy ngẫm về sức khỏe tinh thần của bạn: Hãy nghĩ về cách bạn đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống trong năm qua. Lưu ý xem bạn có cảm thấy buồn bã, lo lắng, tức giận hay không và cách bạn xử lý những cảm xúc đó theo cả cách lành mạnh và tiêu cực. Hãy lên kế hoạch nghỉ ngơi, giải trí, và tập luyện phù hợp cho năm tới.
Hãy trả lời những câu hỏi sau về sức khỏe:
– Nhìn chung, sức khỏe của bạn đã được cải thiện, xấu đi hay giữ nguyên trong năm qua?
– Có những khoảng thời gian căng thẳng nào trong năm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?
– Bạn có ưu tiên việc ăn uống, tập thể dục và có giấc ngủ chất lượng không?
– Những loại hoạt động (cả thể chất và tinh thần) nào khiến bạn cảm thấy kiệt sức?
– Những loại hoạt động (cả thể chất và tinh thần) nào đã tiếp thêm năng lượng cho bạn?
Nếu bạn may mắn có được một hoặc hai ngày yên tĩnh trong dịp Tết này, hãy dành thời gian để xem xét và đánh giá về công việc, sức khỏe, tài chính, mối quan hệ và việc học hỏi mà bạn đã làm được trong 365 ngày qua nhé!

Trước khi hướng tới tương lai, hãy dành thời gian để suy ngẫm về quá khứ.

Khi suy ngẫm về một năm, hãy cố gắng hết sức để xem xét và đặt câu hỏi, đừng dừng lại. Bạn có thể không đạt được mục tiêu hoặc trải qua những thử thách trong một năm khó khăn, nhưng rất có thể bạn đã đạt được nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Hãy suy ngẫm về một năm đã qua để bạn có thể tiến về phía trước với nguồn năng lượng mới và sự lạc quan cho tất cả những điều sắp tới.
Chúc các bạn một năm mới đầy ý nghĩa và trọn vẹn!
P/s: 70% bài viết được dịch lại từ nguồn https://todoist.com/fr/inspiration/annual-review, mình cũng có chỉnh sửa lại một số ý và trình bày thêm một số ví dụ để bài viết dễ hiểu hơn.
Nguồn: spiderum