5 lỗi tư duy phổ biến có thể bạn đang mắc phải và cách để khắc phục để thăng tiến trong sự nghiệp

Đã là con người thì ta khó tránh khỏi các sai lệch trong nhận thức và thế giới quan của mình. Rất nhiều người khẳng định họ luôn nhìn sự vật dưới góc độ khách quan, nhưng có thật như thế? Bài viết này sẽ tổng hợp lại 5 lỗi tư duy phổ biến mà chúng ta dễ gặp phải (dựa trên quan sát của mình), cũng như đưa ra giải pháp giúp ta khắc phục nó.

img_0

1.Thiên kiến xác nhận (confirmation bias)

Thiên kiến xác nhận là xu hướng con người tiếp nhận thông tin theo hướng bổ sung cho niềm tin và quan điểm sẵn có của họ; bỏ qua các thông tin có nội dung trái chiều.
Chẳng hạn, khi ta tin rằng các cặp vợ chồng khắc tuổi thì chắc chắn sẽ gặp hạn, ta thường chỉ tập trung vào trường hợp các cặp vợ chồng không hợp tuổi và có cuộc sống không may mắn để bổ sung cho niềm tin của mình; mà bỏ qua những trường hợp cặp vợ chồng khắc tuổi nhưng vẫn sống chan hòa với nhau.

img_1

Tại sao ta lại dễ mắc phải thiên kiến xác nhận?

Theo The Decision Lab, có hai lý do cho việc này:
– Thiên kiến xác nhận là lối tắt tư duy não bộ vẫn thường sử dụng. Bởi trong quá khứ, khi đối mặt với những tình huống nguy hiểm đến tính mạng, tổ tiên ta chỉ có vài tích tắc để suy nghĩ và hành động; mọi quyết định phải được đưa ra nhanh chóng. Thế nên, não bộ dần phát triển một màng lọc giúp ta tiếp nhận thông tin nhanh hơn. Chỉ cần xét thông tin dựa trên những nhận định mà ta sẵn có chứ không cần phải đánh giá lại từ đầu.
– Suy nghĩ theo thiên kiến xác nhận còn là một cách để bảo vệ lòng tự trọng. Việc bác bỏ những suy nghĩ đã hình thành từ trước đòi hỏi ta phải thừa nhận sai lầm của bản thân. Ngược lại, tiếp nhận thông tin theo quan điểm sẵn có giúp ta tự tin hơn về trí tuệ của mình, rằng tất cả mọi suy nghĩ của mình luôn đúng. Do đó, chúng ta thường tìm kiếm thông tin hỗ trợ hơn là bác bỏ niềm tin hiện có của mình.

Ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận

Phải làm rõ rằng việc xóa đi hoàn toàn thiên kiến xác nhận là không thể bởi đó là cơ chế hoạt động của não bộ. Và thiên kiến xác nhận không phải lúc nào cũng xấu; đôi lúc nó có thể giúp ta tiết kiệm năng lượng của não bộ trong quá trình tư duy, đồng thời củng cố niềm tin vào bản thân của ta.
Tuy nhiên, trong thế giới nhiễu loạn thông tin như hiện nay, nếu chỉ đơn thuần nhìn sự vật qua lăng kính của thiên kiến xác nhận, ta sẽ dễ tin vào thông tin sai lệch, và có những quyết định sai lầm. Với ví dụ ở trên, nếu ta hoàn toàn tin vào việc khắc tuổi mà không xét đến khía cạnh khác, ta có thể bỏ lỡ một người phù hợp với mình từ ngoại hình cho đến tính cách; chỉ vì một niềm tin sẵn có mà ta thậm chí không thèm kiểm định.

Làm thế nào để chống lại thiên kiến xác nhận?

Có 2 cách giúp ta tránh lỗi nhận thức này:
Cởi mở tiếp thu những quan điểm trái chiều. Đừng tự cho rằng mình đúng và tất cả các quan điểm khác là sai. Hãy học hỏi với một tâm thế rằng những điều mình biết hiện tại chỉ là tương đối và mình có thể sai bất kỳ lúc nào. Khi tiếp nhận một thông tin mới, bạn nên đặt thật nhiều câu hỏi để xác minh độ tin cậy của nó. Đồng thời, nếu nó trái với quan điểm của bạn, hãy tự hỏi: “Tại sao người khác lại tin vào quan điểm này còn mình thì không?”
Kiểm tra niềm tin của bạn. Thay vì chỉ đọc và tiếp nhận thông tin một chiều, nếu có thể, hãy thực hiện hành động để kiếm chứng nó. Ví dụ, nếu muốn biết ông già Noel có thật hay không, hãy thức xuyên một đêm giáng sinh. Tuy nhiên bạn không nên cái gì cũng thử mà phải phân tích có chọn lọc. Đừng thử ma túy để biết nó có gây nghiện hay không đấy!

2. Ngụy biện chi phí chìm (sunk-cost fallacy)

Đây là một thuật ngữ để chỉ xu hướng con người thường theo đuổi những điều mà mình đã dành ra nhiều thời gian và công sức, mặc kệ nó còn mang lại lợi ích hay không.
Ví dụ, một sinh viên y khoa năm thứ 4 phát hiện ra mình không còn hứng thú với Y học nữa, tuy nhiên vì đã bỏ ra quá nhiều công sức và tiền bạc, sinh viên ấy vẫn tiếp tục học Y. Sau này sinh viên ấy dần bị quá tải bị quá tải và sức khỏe tinh thần giảm sút.
Ngụy biện chi phí chìm xuất hiện trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, không chỉ trong những quyết định liên quan đến tài chính, ví dụ:
– Cố hoàn thành một cuốn sách hoặc bộ phim bạn không thích vì đã lỡ bắt đầu nó
– Cược nhiều tiền hơn để “bù lỗ”
– Đầu tư công sức vào một mối quan hệ lâu năm, dù cả hai đã không còn nhận được giá trị từ nhau
– Tiếp tục một hoạt động mà bạn không còn yêu thích, chỉ vì đã lỡ dành công sức cho nó

Nguồn: The Decision Lab

Nguồn: The Decision Lab

Vì sao ta lại mắc phải ngụy biện chi phí chìm?

Có hai lý do cho việc này:
– Thứ nhất là xu hướng tránh rủi ro của phần đa chúng ta. Dù cho mọi thứ có đang diễn ra theo hướng ta không mong muốn, ta vẫn sẽ cảm thấy an toàn hơn khi dính lấy lựa chọn cũ. Cảm giác mất đi cái gì đó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta hơn là cảm giác được thứ gì đó. Đây chính là lý do ta vẫn thường theo đuổi quyết định mà ta đã chọn dù nó không còn đem lại lợi ích.
– Thứ hai là bởi thiên hướng “ngựa quen đường cũ”(commitment bias). Đây là xu hướng con người vẫn tiếp tục theo đuổi niềm tin trước đó của mình. Bởi chúng ta sẽ thấy tội lỗi và thiếu nghị lực nếu ta từ bỏ lựa chọn của mình.

Phòng chống ngụy biện chi phí chìm như thế nào?

Để tránh ngụy biện chi phí chìm, bạn cần thực sự phân tích vấn đề của mình. Hãy làm một danh sách về những được và mất khi theo đuổi một quyết định. Từ đó, đưa ra quyết định sau khi so sánh thiệt hơn kĩ càng chứ đừng chỉ dựa vào cảm tính.
Hãy xem xét từ bỏ việc mình đang làm nếu nó:
– Không mang lại giá trị gì cho bạn, về ngắn hạn lẫn dài hạn
– Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần
– Không phải là sự đầu tư tốt nhất – bạn có thể dành tài năng và tiền bạc của mình vào một nơi khác mang lại cho mình nhiều giá trị hơn (Cái này thì còn tùy vào giá trị bạn muốn hướng đến trong cuộc sống).
Bạn cũng có thể tham khảo “công thức từ bỏ” của Steven Barlett – một nhà đầu tư nổi tiếng tại Dragon Den

img_2

3. Thiên lệch nhận thức muộn (Hindsight Bias)

Thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias) miêu tả khuynh hướng một người đánh giá cao khả năng dự đoán của mình trước một tình huống. Khi nhìn lại sự việc đã qua, ta thường tin là mình có thể dễ dàng nhìn thấy tất cả những dấu hiệu dẫn đến kết quả hiện tại. Nhưng thực tế, khi đang ở trong cuộc thì ta khó nhìn ra chúng.
Có rất nhiều nhà tài chính sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 diễn ra tự tin khẳng định rằng họ đã đoán trước được nó rồi. (Nhưng họ vẫn bị ảnh hưởng bởi nó như thường).
Để minh họa cho thiên lệch nhận thức muộn, hai nhà nghiên cứu Dorothee Dietrich và Matthew Olson yêu cầu các sinh viên đại học dự đoán Thượng viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu như thế nào cho ứng cử viên tòa án tối cao Clarence Thomas. Trước cuộc bỏ phiếu của Thượng viện, 58% số người tham gia dự đoán rằng ông sẽ được chấp thuận. Khi Thomas đã được chấp thuận, hai nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát một lần nữa, và lần này 78% người tin rằng mình đã đoán ông ấy sẽ được chấp thuận. Chênh lệch lên đến 20% trước và sau khi bỏ phiếu.
Ta thường nhầm lẫn giữa việc dễ hiểu và dễ đoán. Sau khi sự kiện xảy ra và ta hiểu được nó, ta ngay lập tức cho rằng mình có thể nhận biết được nó, mà quên rằng trong quá khứ ta đã chật vật như thế nào, và dòng chảy sự kiện thường bất định ra sao.

Nguồn: nirandfar.com

Nguồn: nirandfar.com

Ảnh hưởng của thiên lệch nhận thức muộn

Lỗi tư duy này có thể khiến cho ta trở nên quá tự tin về bản thân. Nhiều người sẽ tin rằng mình có trực giác và dự đoán tốt, từ đó tăng cường đặt cược vào những dạng đầu tư rủi ro cao, để rồi nhận lại kết cục cay đắng.
Ngoài ra, bởi thiên lệch nhận thức muộn, ta còn có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Khi xem xét vấn đề của một người, rất dễ để ta nói ra những câu như “Tại sao dễ như thế mà không làm được”, “đáng lẽ mày phải nhìn thấy vấn đề này sắp xảy đến chứ”.
Khi mình vừa mới thi Đường lên đỉnh Olympia về, rất nhiều người sau những lời chúc mừng thì cũng vào xỉa xói “sao dễ thế mà không trả lời được”, cơ mà mình tin nếu họ ở trong một tâm thế áp lực, trên đầu là hàng chục chiếc máy quay, sau lưng là người thân đặt kỳ vọng thì họ sẽ hiểu nó không dễ đến thế.

Ta có thể tránh thiên lệch nhận thức muộn như thế nào?

Bạn có thể tham khảo hai sau:
Xét kĩ các chiều hướng mà sự kiện có thể diễn ra: Các nhà nghiên cứu đề xuất một cách để chống lỗi tư duy này là xem xét những tình huống khác có thể xảy ra. Ví dụ, khi ta đang cảm thấy tự tin vì tưởng mình có thể đoán trúng kết quả trận bóng đá, hãy lùi một chút và nghĩ xem có khả năng nào kết quả sẽ khác đi không, trường hợp MU thua một đội cuối bảng xếp hạng có thể xảy ra không (trong lịch sử có vẻ đã có), và đặc biệt; tại sao bạn tưởng mình đoán được, nhưng trên thực tế thì bạn lại đặt cược cho đội bóng khác chứ không phải MU. Mấu chốt là đừng quá chắc chắn về bất cứ kết quả nào, vì loài người không thông minh như ta tưởng đâu.
Ghi chép lại các suy nghĩ của mình: Khi bạn viết lại tất cả những suy nghĩ và dự đoán của mình về một sự kiện, sau sự kiện bạn nhìn lại thì bạn sẽ nhận ra mình không đoán đúng nhiều như mình tưởng.

4. Ngụy biện lập kế hoạch (Planning fallacy)

“Planning fallacy” mô tả xu hướng đánh giá không đúng lượng thời gian, chi phí và hoạt động cần thiết để hoàn thành một kế hoạch. Nó thường Đôi khi, nó còn bao gồm xu hướng lạc quan quá mức về kết quả công việc.
Điều này giải thích cho việc ta hiếm khi đặt kế hoạch đúng với khoảng thời gian mà ta thực sự làm việc. Ắt hẳn bạn cũng thường xuyên bắt gặp bản thân mình kì công lên kế hoạch cho một việc nào đó, ví dụ như buổi đi chơi ngày mai, để rồi thấy mọi thứ đi trật hết kế hoạch.
Lỗi ngụy biện này cũng giải thích cho hành vi của những “người cao su” xung quanh ta (và có lẽ là chính ta). Hứa xong deadline ngày 21 thì ngày 23 mới thấy nhắn xin lỗi, hào hứng hẹn nhau 8h sáng thì 9h mới thấy vác mặt xoa đầu đến.
Tại sao chúng ta lại mắc phải ngụy biện lập kế hoạch?
Theo trang The Decision Lab, có 4 lý do cho việc này:
Ta thường ưu tiên những điều tích cực. Nhìn chung, chúng ta thường nghĩ mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp, từ điều kiện xung quanh cho đến chính bản thân ta. Chính vì vậy, ta có thiên hướng lên kế hoạch mà quên đi những rủi ro có thể xảy đến (Ở Hà Nội mà không tính thời gian tắc đường là dở rồi).
Ta trở nên quá phụ thuộc vào kế hoạch ban đầu của mình. Khi lên kế hoạch, ta rất dễ suy nghĩ theo hướng phát triển thêm từ ý tưởng ban đầu, mặc kệ ý tưởng đó còn khả thi hay không. Khi bạn lên kế hoạch để làm bài tập trong 5 ngày nhưng deadline lại giảm xuống còn 3 ngày; nếu bạn không lập lại kế hoạch mới thì trễ deadline là điều hiển nhiên.
Chúng ta bỏ qua những thông tin tiêu cực. Đây chính là hệ quả từ tư duy tích cực đã nêu ở trên. Khi tìm kiếm và thu nhận thông tin, ta thường phớt lờ và cảm thấy khó chịu với những điều đi ngược lại với niềm tin tích cực của ta.
Chúng ta chịu áp lực. Có rất nhiều yếu tố có khả năng gây áp lực lúc ta lên kế hoạch như công việc, bạn bè, người thân, và đặc biệt là Deadline. Deadline là một công cụ quản lý thời gian rất hữu ích, nhưng nếu nó được đặt ra một cách không thực tế thì sẽ dễ phản tác dụng.

Làm sao để tránh ngụy biện lập kế hoạch?

Các bạn có thể tham khảo 3 cách sau đây
Tham khảo góc nhìn của người khác: Sau khi lên kế hoạch, hãy hỏi người ngoài xem nó có khả thi hay không chứ đừng chỉ dựa vào góc nhìn chủ quan. Tất nhiên không phải lúc nào cũng nghe theo người khác, nhưng có nhiều góc nhìn sẽ giúp ta giảm thiểu tác động của ngụy biện lập kế hoạch.
Đặt ra các dự định thực thi: Nếu ta chỉ lên kế hoạch một cách mơ hồ, như “tôi sẽ hoàn thành xong bài X trong 3 ngày” thì ta sẽ khó hình dung được những trở ngại trong kế hoạch của mình. Nhưng nếu ta lên kế hoạch chi tiết: “Để hoàn thành bài X, thì mỗi ngày tôi sẽ dành 2 giờ từ 8-10h tối tại nhà để viết bài”. Lúc này ta có thể xét độ khả thi của kế hoạch dễ dàng hơn (2 tiếng một ngày có đủ không, khoảng thời gian đó có ai làm phiền không,…). Sau đó hãy đặt ra một lịch cố định trong lịch của ta để chắc chắn rằng ta sẽ làm nó. Tất nhiên vẫn có khả năng một điều gì đó xuất hiện cản trở ta, nhưng việc lên trước dự định thực thi sẽ giúp ta sắp xếp công việc để tránh ảnh hưởng đến nó; ví dụ khoảng thời gian đó ta có thể tắt mạng xã hội, và bảo người thân không làm phiền trừ phi có việc cần thiết.

img_3

Đặt ra ưu tiên: Khi lên kế hoạch, ta rất dễ cuốn theo vòng xoáy của to-do-list với hàng tá công việc cần phải làm; điều này khiến ta quên rằng đầu việc nào mới là quan trọng nhất. Bạn có thể áp dụng quy tắc 80-20 cho vấn đề này, xác định 20% đầu việc nào ảnh hưởng tới 80% kết quả và giải quyết nó trước.

5. Ngụy biện tường thuật (narrative fallacy)

Chúng ta thường có xu hướng giải thích mọi thứ theo một câu chuyện rành mạch, mà quên xét đến rất nhiều yếu tố phức tạp khác.
Cụ thể, chúng ta luôn cố gắng xâu chuỗi các sự kiện theo hướng nguyên nhân – kết quả để tìm lời giải thích cho mọi thứ.
“Trời mưa hẳn là do ngọc hoàng đang khóc” (hmmm..)
“Steve Jobs có thể thành công như hôm nay là nhờ quá khứ bị bỏ rơi bởi cha mẹ” (Chính Steve Jobs đã phủ nhận điều này, ông vẫn cảm thấy được yêu thương bởi cha mẹ nuôi).
“Bill Gates và Mark Zuckerberg thành công là nhờ họ có can đảm để bỏ học đại học” (Hãy xem nhờ đây mà có bao nhiêu chàng trai để status FB từng học tại đại học Harvard đang đua xe ngoài phố).
Trên thực tế, có những sự kiện xảy ra hoàn toàn do ngẫu nhiên, và có những sự kiện có nhiều nguyên nhân hơn là một, và ngụy biện tường thuật khiến ta đơn giản hóa sự phức tạp của thế giới.

img_4

Do đâu mà chúng ta có ngụy biện tường thuât?

Mình biết mình đang viết cho các bạn những dòng này thì có thể mình cũng đang mắc phải ngụy biện tường thuật, nên các bạn hãy chỉ xem đây là một góc nhìn trong vô vàn các góc nhìn khác.
Thuở xưa, khi thế giới còn hoang sơ và công việc chính của ta là sinh tồn thì tạo ra những câu chuyện với chuỗi quan hệ nguyên nhân – kết quả là lối tắt tư duy rất hữu ích.
Thấy hổ → chạy → không chết
Rời khỏi bộ lạc → nguy hiểm → chết
Đối với thế giới lúc đó thì chỉ cần hiểu như thế là đủ sinh tồn. Nhưng đáng tiếc là thế giới hiện nay phức tạp hơn nhiều, và những cách suy nghĩ một chiều như thế đôi khi sẽ khiến ta rời xa khỏi hiện thực.
Như ví dụ về bộ lạc ở trên, cách suy nghĩ đó vẫn ảnh hưởng chúng ta cho đến tận bây giờ, khiến ta không muốn rời khỏi một nhóm dù nhóm đấy ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cá nhân của mình. Sự thật là ở trong một nhóm làm những việc nguy hiểm có khi còn dễ chết hơn là rời đi và tìm một nhóm khác tốt hơn.
Nhưng vì tâm trí của ta đã bị thống trị bởi một nguyên nhân – hệ quả, nên ta làm mọi thứ để khiến câu chuyện trong đầu của mình nguyên vẹn.

Ảnh hưởng của ngụy biện tường thuật

Việc gắn một điều gì đã diễn ra với một nguyên nhân cụ thể khiến cho ta cảm thấy vững tâm hơn trong cuộc sống bất định, và điều này không hẳn là xấu.
Nếu ta cho rằng tất cả sự sụp đổ của các công ty lớn đều là do họ ngủ quên trên chiến thắng, thì phần nào đó nó cũng cho ta động lực để tiếp tục cố gắng.
Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Có rất nhiều lý do khác có thể dẫn đến thất bại của công ty đó; như ảnh hưởng của nền kinh tế, mối quan hệ giữa chủ công ty và cô thư ký của đối thủ (cái này mình bịa thôi), hoặc chỉ đơn giản là vì công ty này thành công dựa trên sự may mắn của thời cuộc, nên đến khi sự may mắn đó hết thì suy thoái là điều hiển nhiên.
Việc chúng ta suy nghĩ theo những câu chuyện sẽ có ảnh hưởng tiêu cực khi mà ta quá tự tin vào câu chuyện đó và hoàn toàn không để ý những khả năng khác có thể xảy ra. Lấy ví dụ từ câu chuyện Bill Gates bỏ học đại học, bởi nó quá truyền cảm hứng nên có rất nhiều thanh niên khao khát thành công đã bỏ học với niềm tin mình sẽ trở thành Bill Gates thứ hai.
Nhưng họ quên xét các khả năng khác, ví dụ như: Có bao nhiêu người bỏ học thành tỉ phú giống Bill Gates (mình không có số liệu cụ thể nhưng 8 tỷ người trên thế giới chắc cũng được khoảng dưới 10 người là giống ông ấy); Bạn có trí thông minh như Bill Gates không? Thời điểm Bill Gates bỏ học là năm 1975, bối cảnh thời đại bây giờ còn giống những năm đó nữa không? Vân vân và mây mây.
Bởi những câu chuyện quá thuyết phục, chúng ta “vô tình” đơn giản hóa thực tế phức tạp (mình biết mình nhắc đến cụm này nhiều, nhưng cái gì quan trọng thì cần dược nhấn mạnh), dẫn đến những quyết định đi vào lòng đất.
– Việc quá tự tin vào mối quan hệ nguyên nhân – kết quả cũng đưa cho ta ảo tưởng rằng ta đã hiểu cách mà một sự việc vận hành, từ đó trở nên tự tin thái quá.

Những gì mà giác quan chúng ta nhận biết được chỉ là một phần rất nhỏ của thế giới.

Những gì mà giác quan chúng ta nhận biết được chỉ là một phần rất nhỏ của thế giới.

Làm sao để tránh ngụy biện tường thuật?

Đơn giản nhất, hãy cố gắng bỏ qua lời giải thích đầu tiên mà não chúng ta bật ra đối với một vấn đề. Tiếp đến, thực sự nghiên cứu kĩ vấn đề trước khi đưa ra bất kỳ nhận định nào . Ví dụ, khi phân tích thành công hay thất bại của một công ty, đừng chỉ đơn nhất nghĩ rằng họ thành công do nỗ lực và ngược lại. Hãy xét đến các yếu tố khác như là tình hình thị trường, nhu cầu khách hàng,…
Ngoài ra, thay vì vội tin vào mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, hãy tiếp cận một vấn đề theo hướng mà các nhà khoa học thường dùng → xem nó là giả thuyết và chứng minh nó sai. Thay vì xét đoán một cách ngây thơ như nhân loại hàng nghìn năm trước (A bị bệnh, mẹ A gọi thầy cúng đến thì A hết bệnh → Thầy cúng có phép thần thông); hãy xem nó như là một giả thuyết và tìm thêm các trường hợp khác để chứng minh nó sai. Với trường hợp của A thì hết bệnh hoàn toàn có thể do quá trình tự nhiên của cơ thể, do cái gì đó mà thầy thuốc cho A uống, hoặc do hiệu ứng giả dược, chứ không nhất thiết là do thần linh phù hộ.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên “trang bị” một số đứa bạn không sợ làm ta mất lòng để nó có thể chỉ ra sự ngu xuẩn trong cách mà ta tư duy.

Kết

Trên đây là 5 lỗi tư duy mà mình thường thấy những người xung quanh, và chính bản thân mình hay gặp phải. Hy vọng những chia sẻ của mình đã phần nào giúp các bạn nhận diện được những lỗi tư duy mà mình thường đối mặt, từ đó đưa ra các quyết định sáng suốt hơn trong đời sống.
Nguồn: spider

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay