Mùa nhảy việc sắp đến, bạn đã chuẩn bị đến đâu trong hành trình rời bỏ công ty cũ?
Đến hẹn lại lên, nhảy việc sau Tết đang là đề tài được nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng thảo luận rôm rả. Từ lâu, chỉ vài ngày sau Tết Nguyên đán được xem là khoảng thời gian để nhiều người nộp đơn xin nghỉ công ty cũ, cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn. Thậm chí có người còn đùa rằng, khai bút năm mới chính là điền đơn xin nghỉ việc.
Tuy nhiên, hãy đi chậm một chút. Nghỉ việc tức là bạn chấp nhận không có nguồn thu nhập suốt thời gian dài, trong khi bạn vừa tiêu một khoản tiền lớn cho Tết Nguyên đán. Do đó, hãy xem xét tình hình tài chính để chuẩn bị cho quãng thời gian thất nghiệp, cũng như những thách thức có thể phát sinh.
Dưới đây là những khía cạnh tài chính bạn cần chuẩn bị trước khi tính đến chuyện nghỉ việc.
1. Đánh giá lại đây có phải thời điểm phù hợp để nghỉ việc
2023 là một năm kinh tế đầy khó khăn. 2024 mới bắt đầu trong thời gian ngắn và với nhiều ngành nghề, triển vọng của chúng vẫn chưa tạo được sự nổi bật so với năm cũ. Điều này có nghĩa là cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp của nhiều nhân sự đã giảm hơn so với những năm trước, trong khi chi phí sinh hoạt không ngừng tăng cao. Nói cách khác, hãy chắc chắn bạn bạn nghỉ việc vì lý do đúng đắn.
Trong thị trường lao động hiện nay, việc tìm kiếm được cơ hội mới trước khi nghỉ việc hoặc có sẵn khoản tiết kiệm đủ lớn sẽ khiến bạn chủ động hơn. Thêm nữa bạn cũng cần cân nhắc đến yếu tố cá nhân. Chẳng hạn nếu bạn đang chuẩn bị sinh con hay ly hôn, thay đổi công việc sẽ không có lợi mà chỉ khiến cuộc sống thêm căng thẳng và gặp ảnh hưởng tiêu cực.
2. Kiểm tra nhanh lại ví tiền
Nếu thất nghiệp, bạn cần nghĩ đến trường hợp tồi tệ nhất, đó là cần khoảng thời gian dài để tìm công việc phù hợp. Trong 6-9 tháng sau khi nghỉ, bạn có thể không biết thị trường việc làm đang thay đổi ra sao.
Lý tưởng nhất là bạn đã có thể dùng quỹ khẩn cấp, thường sẽ bằng tối thiểu 3-6 tháng phí sinh hoạt cơ bản. Vì thế, bạn hãy ý thức xây dựng quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt khi đi làm. Thử tưởng tượng trong tình huống xấu nhất, bạn nghỉ việc từ 6-9 tháng và đang tiêu dần những đồng cuối cùng của tài khoản tiết kiệm nhưng chưa biết làm gì tiếp theo. Lúc này, sự thiếu thốn về tài chính có thể khiến bạn gặp hoang mang, stress hoặc thậm chí chấp nhận một công việc bừa để trang trải cuộc sống.
Khi đánh giá giữa quỹ khẩn cấp và nhu cầu chi tiêu cá nhân, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:
– Bạn có bao nhiêu tiền tiết kiệm có thể sử dụng ngay lập tức?
– Bạn sẽ có những chi phí mới liên quan đến tìm kiếm việc làm hoặc tự kinh doanh hay không? Bạn có cần phải học thêm một khoá học nào để có sự nghiệp vững vàng hơn hay không?
Sau đó, bạn hãy xem xét quỹ khẩn cấp và chi phí sinh hoạt hiện tại của bản thân. Đầu tiên, bạn hãy dự trù tài chính bằng cách liệt kê lại các chi phí bắt buộc hàng tháng, bao gồm tiền thuê nhà, chi phí đi lại, ăn uống tối thiểu. Bên cạnh đó, bạn hãy tập thói quen cắt giảm những khoản chi không cần thiết như mua quần áo, ăn ngoài và các khoản nợ tín dụng, để duy trì ổn định tài chính trong thời gian khó khăn.
Tránh những sai lầm phổ biến về ngân sách, chẳng hạn như đánh giá thấp nhu cầu tiêu dùng của cá nhân khi thay đổi công việc. Hãy xem lại thói quen tiêu tiền và các khoản chi tiêu thường xuyên, đồng thời lên kế hoạch cắt giảm những khoản chi không cần thiết và tiết kiệm tiền.
3. Xác định “tư tưởng” không sống dựa vào khoản các khoản vay
Trừ khi bạn có nguồn thu nhập, bạn không nên có những khoản vay khi đang thất nghiệp vì có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng.
Chẳng hạn nếu bỏ lỡ một khoản thanh toán hoặc vỡ nợ đối với khoản vay từ thẻ tín dụng của mình, bạn sẽ phải trả các khoản phí trả chậm. Thậm chí, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến điểm tín dụng khiến việc đủ điều kiện cho các khoản vay hoặc mở tài khoản tín dụng trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Nói cách khác, nếu bạn nghỉ việc và hy vọng rằng có thể sống tốt nhờ khoản vay từ người thân hoặc thẻ tín dụng thì đây là điều khó khăn. Chúng khiến bạn vừa mang áp lực tìm việc, trang trải chi phí sinh hoạt mà còn gia tăng áp lực trả nợ.
Thay vì có cho mình những khoản nợ, bạn nên cân nhắc tăng nguồn thu từ các công việc ngắn hạn. Chẳng hạn, bạn có thể chọn công việc theo dự án, part-time được trả lương để xem mình có phù với hướng đi hoặc công ty mới hay không. Đây vừa là cách để bạn kiếm thêm thu nhập trong quá trình nghỉ việc, vừa để đánh giá quyết định chọn lựa công việc tiếp theo.
Nguồn: ccvcnews