Chuyện về một ứng viên được tuyển thẳng vào ‘thảm đỏ’ nhân tài

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Lưu Văn Khoa vượt lên hoàn cảnh để tốt nghiệp loại xuất sắc và được tuyển thẳng làm giáo viên với lương gấp đôi thông thường. Sắp tới, viên chức trẻ này sẽ giảng dạy môn Toán ở một trong 2 trường chuyên lớn nhất TPHCM, mang kỳ vọng bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi thành phố giành thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Chuyện về một ứng viên được tuyển thẳng vào 'thảm đỏ' nhân tài ảnh 1
Lưu Văn Khoa (bìa phải) trong buổi phỏng vấn tuyển viên chức. Ảnh: Nhàn Lê

Ba mẹ không kịp nhìn con trưởng thành

Tác nghiệp trong buổi lễ trang trọng trao quyết định tuyển dụng viên chức diễn ra tại trụ sở UBND TPHCM vài ngày trước, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều người thân tới chúc mừng 3 ứng viên trúng tuyển. Đây là những nhân sự đầu tiên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc được tuyển thẳng theo diện thu hút nhân tài của TPHCM, đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe và được hưởng lương gấp đôi.

Sau buổi lễ, ba mẹ, anh chị em ruột tranh thủ tặng hoa và lên sân khấu chụp hình lưu niệm với các viên chức trẻ. Nhưng với viên chức Lưu Văn Khoa (23 tuổi, quê Lâm Đồng, cử nhân sư phạm Toán Trường Đại học Đà Lạt) là một trường hợp đặc biệt. Trong buổi lễ quan trọng này, đi cùng Khoa chỉ có họ hàng bên nội, bên ngoại mà không có ba mẹ. Lúc nhận bằng đại học loại xuất sắc, là thủ khoa đầu ra hay lúc đại diện cho các ứng viên đọc lời phát biểu nhận quyết định tuyển dụng trước lãnh đạo thành phố, Khoa đều đi một mình hoặc chỉ có họ hàng, bạn bè tới động viên. Lý do là ba và mẹ Khoa đều đã qua đời trước khi em tốt nghiệp.

Chuyện về một ứng viên được tuyển thẳng vào 'thảm đỏ' nhân tài ảnh 2
Lưu Văn Khoa nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc, là thủ khoa đầu ra ngành sư phạm của Trường ĐH Đà Lạt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dì của Khoa rơm rớm nước mắt tâm sự: “Ba mất sớm nên Khoa thương mẹ lắm, lúc nào con cũng mong ra trường sớm, tìm được việc làm tốt để báo hiếu cho mẹ. Nhưng mẹ của Khoa số phận hẩm hiu, chồng mất sớm phải gánh gồng nuôi con, chỉ còn 2 năm con ra trường thì không may qua đời, không kịp nhìn con trưởng thành. Thương cháu nên chúng tôi lặn lội từ quê xuống TPHCM chúc mừng Khoa vì sợ con tủi thân. Từ nhỏ cháu đã ngoan ngoãn, học rất giỏi, là niềm tự hào của dòng họ”.

Sinh ra trong gia đình có ba là trưởng trạm y tế, mẹ làm công nhân. Biến cố ập đến khi ba không may mất sớm, lúc ấy Khoa mới 7 tuổi. Từ đó, hai mẹ con Khoa về nhà ông bà ngoại nương tựa. Mất ba từ nhỏ nhưng trong ký ức của mình, Khoa luôn nhớ hình ảnh một nhân viên y tế thường tới vùng sâu vùng xa chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Do đó, trong những năm cấp 2, Khoa từng có ước mơ trở thành một bác sĩ để viết tiếp ước mơ của ba lúc còn sống. Nhưng nhận thấy hoàn cảnh gia đình neo đơn nên Khoa chuyển hướng thi sư phạm vì không tốn học phí, cuối tuần có thể tranh thủ về nhà thăm mẹ và ông bà ngoại.

Chuyện về một ứng viên được tuyển thẳng vào 'thảm đỏ' nhân tài ảnh 3
Lưu Văn Khoa phát biểu khi nhận nhiệm vụ. Ảnh: Nhàn Lê

Khoa học đều các môn nhưng có niềm yêu thích đặc biệt với Toán. Ngay từ những năm cấp một, em đã mua sách nâng cao toán về giải thêm ở nhà. Càng hiểu sâu về Toán, em càng thấy những con số khô khan đều có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Suốt những năm học phổ thông, Khoa chưa hề đi học thêm. Em cho biết thành tích học tập tốt của em nhờ vào sự động viên nhưng không gây áp lực của mẹ.

Biến cố thứ hai mà Khoa gặp phải là vào năm 2 đại học. Lúc đang ở giảng đường, em nhận được điện thoại từ người thân báo mẹ đã mất vì tai nạn giao thông. Em bần thần, cứ mong đây là tin báo nhầm vì mới hôm qua hai mẹ con còn gọi điện nói chuyện vui vẻ, không thể nào mẹ bỏ em đi nhanh như vậy được. Cú sốc khiến cậu sinh viên năm 2 không còn động lực sống. Lúc đó, người thân, thầy cô, bạn bè phải liên tục ở bên động viên để Khoa lấy lại tinh thần, tiếp tục đến giảng đường thực hiện lời hứa với mẹ là trở thành một thầy giáo dạy Toán.

Tạo mọi điều kiện để nhân tài phát huy sở trường

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhìn nhận với năng lực vượt trội, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khi ra trường có nhiều lựa chọn, có các điều kiện khác tốt hơn khi làm việc ở các trường ngoài công lập. Nhưng các em mong muốn làm việc ở các trường THPT chuyên, nơi có học sinh giỏi để có thể đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Sở GD-ĐT đã làm việc với lãnh đạo 2 đơn vị dự kiến phân công công việc cho ứng viên trúng tuyển. Tinh thần chung là tạo điều kiện để các em khi về trường nhận nhiệm vụ phát huy năng lực, sở trường nghiên cứu khoa học, xây dựng chuyên đề, bồi dưỡng học sinh giỏi tham dự các kỳ thi cấp quốc gia, thành phố.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay