Hiện nay, số chiến sĩ công an nghĩa vụ không chuyển sang chế độ chuyên nghiệp đang gặp khó trong việc đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm sau khi xuất ngũ.
Gặp khó trong đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm
Đại tá Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội – cho biết: Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm Công an thành phố tuyển hơn 700 công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Trong đó, đại đa số chiến sĩ có ý chí phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với mục đích được cống hiến, phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an nhân dân.
Tuy nhiên, do nhu cầu biên chế theo quy định của Chính phủ nên Bộ Công an giao chỉ tiêu Công an thành phố chỉ duy trì được một tỉ lệ nhất định (trung bình khoảng 15%) số chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ được chuyển sang chế độ chuyên nghiệp.
Đối với số chiến sĩ nghĩa vụ không được chuyển chuyên nghiệp nhưng vẫn là nguồn nhân lực chất lượng, có ý thức tổ chức kỷ luật, độ tuổi, sức khỏe; là đội ngũ lao động chất lượng mà các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài Công an nhân dân rất cần nếu được các cấp, các ngành chung tay, quan tâm, tạo điều kiện.
“Tuy nhiên, hiện nay, việc đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm đối với chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng Công an nhân dân nói chung, chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Công an thành phố nói riêng còn gặp nhiều khó khăn” – Đại tá Phạm Thanh Hùng nhận định.
Đại tá Phạm Thanh Hùng phân tích, các cơ sở đào tạo nghề trong Công an nhân dân chưa tổ chức đào tạo nghề cho đối tượng là chiến sĩ nghĩa vụ xuất ngũ sử dụng thẻ đào tạo nghề. Diện ngành nghề được đào tạo trong Công an nhân dân còn hạn hẹp, chủ yếu tập trung vào: Lái xe, phòng cháy chữa cháy, dịch vụ bảo vệ nên chưa thu hút được đông đảo học viên tham gia.
Công an thành phố đã có chủ trương ưu tiên ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với chiến sĩ nghĩa vụ xuất ngũ. Tuy nhiên, chiến sĩ nghĩa vụ cơ bản không được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp thuộc Công an thành phố. Bên cạnh đó, nhiều chiến sĩ nghĩa vụ không có nguyện vọng do gia đình đã có định hướng khác.
Công an thành phố luôn xác định việc hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho chiến sĩ nghĩa vụ là một việc khó vì phải giải quyết được hai vấn đề: Ngành nghề, điều kiện học tập, lao động, mức thu nhập phù hợp với nguyện vọng của chiến sĩ nghĩa vụ; phù hợp với nhu cầu tuyển lao động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
“Công an thành phố mong muốn làm được những gì tốt nhất để chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ngũ trở về địa phương, có việc làm, ổn định cuộc sống” – Đại tá Phạm Thanh Hùng nói.
Đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động trẻ
Cùng nhận định, ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, vẫn còn có nhiều chiến sĩ xuất ngũ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm được địa chỉ học nghề hay một việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kiến thức của mình sau khi xuất ngũ trở về địa phương.
“Việc quan tâm giải quyết việc làm cho chiến sĩ nghĩa vụ không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định chính trị và an sinh xã hội, mà còn khai thác được những ưu điểm của chiến sĩ xuất ngũ, góp phần đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động trẻ trên địa bàn thành phố”, ông Nam cho hay.
Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin, đơn vị đã thực hiện khảo sát nguyện vọng, nhu cầu, định hướng tương lai của các chiến sĩ công an nghĩa vụ chuẩn bị xuất ngũ năm 2024.
“Từ cơ sở dữ liệu đó, chúng tôi tiến hành mời các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội có nhu cầu gần sát với nguyện vọng của chiến sĩ công an nghĩa vụ xuất ngũ” – ông Vũ Quang Thành cho hay.
Nguồn: laodong