Chủ tịch FPT cho rằng người lãnh đạo không chỉ cần “có tâm, có tầm”, mà cần có thêm chữ “tình”. Càng máy bao nhiêu thì chúng ta càng phải người bấy nhiêu.
Mới đây, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo gần 40% việc làm trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của AI. Ở các nền kinh tế phát triển, có tới 60% việc làm có thể bị ảnh hưởng bởi AI. Trong khi đó, tại các thị trường mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp hơn, tỷ lệ này dự kiến lần lượt là 40% và 26%.
Còn theo Báo cáo Tương lai việc làm (The Future of Jobs Report 2023) của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), thị trường lao động sẽ mất 23% việc làm trong 5 năm tới. Các nhà tuyển dụng dự báo 69 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, song song với đó là 83 triệu việc làm sẽ biến mất trong 5 năm tới.
Với khả năng tự học liên tục, các nền tảng AI biết làm thơ, viết tiểu luận, bài phát biểu,… hay những con robot biết nấu ăn, pha chế, chia chọn hàng hóa,… đang ngày càng thông minh và trở nên phổ biến. Ông Hoàng Nam Tiến – Phỏ Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT đã đưa ra lời cảnh báo sắp tới khoảng 2,7 triệu công nhân trong các nhà máy về dệt may, da giày, lắp ráp sẽ mất việc, bị robot thay thế. 2,7 triệu công nhân này trong 5-7 năm tới cần đào tạo lại từ đầu để có công việc mới. Không những vậy, các ngành nghề sẽ giảm sút nhanh chóng khoảng 50% trong tương lai bao gồm: giáo viên; chăm sóc khách hàng; bác sĩ, dược sĩ; kiểm toán, kế toán; bảo vệ, cảnh sát; chuyên gia. Các nhân sự từng được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, thậm chí có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng có thể đứng trước nguy cơ bị thay thế.
“Thực sự đây đã là điều ám ảnh với tôi. Hàng triệu người có nghề nghiệp, đào tạo cẩn thận sẽ mất việc. “Tầng lớp vô dụng” này sẽ chịu áp lực trong chính ngôi nhà của mình khi nấu ăn cũng có robot, giặt giũ cũng có robot. Robot làm tất cả mọi việc, kiếm tiền cũng giỏi hơn mình”, vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT từng chia sẻ.
Sự thông minh và khả năng học tập liên tục của AI cũng đặt ra khả năng thay thế cả các lãnh đạo doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định. Đứng trước câu hỏi này, Chủ tịch Tập đoàn FPT – Trương Gia Bình chia sẻ: “Trên điện thoại, tôi đang sử dụng 3 ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất hiện nay. Mọi câu hỏi của tôi, máy đều trả lời.
Đáng ngạc nhiên là khi tôi hỏi “Công ty cần làm gì để nhân viên hạnh phúc?”, máy trả lời được khoảng 85% những gì tôi đang nghĩ. Nếu như tôi là một nhà lãnh đạo lười biếng thì tôi cứ đem máy ra dùng, làm đúng những việc máy đã bày ra cho tôi. Thế nhưng khi tất cả mọi người đều có máy thì làm như thế có nghĩa rằng tôi sẽ đi đến thất bại, vì những người khác sẽ còn 15% sáng tạo. Vì thế, tôi thiên về việc máy trở thành trợ lý, đừng để máy làm lãnh đạo của chúng ta”.
Trong thời đại công nghệ và trí tuệ nhân tạo bùng nổ, vị Chủ tịch FPT cho rằng người lãnh đạo không chỉ cần “có tâm, có tầm”, mà cần có thêm chữ “tình”.
“Thông thường người ta thường nói nhà lãnh đạo có tâm và có tầm nhưng trong thời đại mới, khi người máy chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong công việc, có lẽ chúng ta phải thêm chữ tình. Càng máy bao nhiêu thì chúng ta càng phải người bấy nhiêu”, ông Trương Gia Bình nhận định.
Nguồn: ccvcnews