Giáo viên hợp đồng có nhiều điểm khác so với giáo viên biên chế về chế độ lao động, trong đó lương giáo viên hợp đồng cũng khác so với lương giáo viên biên chế. Dưới đây là 3 quyền lợi và chế độ mà Nhà trường giáo viên HĐ nên biết:
Quy định về lương của giáo viên hợp đồng
Là sinh viên vừa mới ra trường, thầy Phạm Tuấn Thành – giáo viên hợp đồng của một trường THPT tại Hà Nội – băn khoăn, liệu lương của giáo viên hợp đồng có được tính giống lương của giáo viên theo biên chế không?
Trả lời câu hỏi của thầy Tuấn Thành, Luật sư Nguyễn Phó Dũng – Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội – cho biết:
Giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng có chức năng giống nhau nhưng chế độ lương khác nhau. Do chỉ là giáo viên, không phải viên chức nên lương giáo viên được tính theo hợp đồng, thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hiện hành.
Lương của giáo viên hợp đồng hiện nay là áp dụng mức lương cơ bản theo quy định của Bộ luật Lao động, không áp dụng mức lương theo quy định của cán bộ, công chức, viên chức.
Căn cứ khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 và mục 5 Công văn 5075/BNV-TCBC năm 2020 của Bộ Nội vụ mức lương được trả cho người lao động không được thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Giáo viên hợp đồng có được hưởng phụ cấp ưu đãi, thâm niên?
Điều 1 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn về đối tượng và phạm vi áp dụng quy định tại nghị định 54/2011/ NĐ – CP như sau:
Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được nhà nước cấp kinh phí hoạt động.
Nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng, trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập.
Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14.12.2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cụ thể:
Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo.
Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo như quy định tại điểm a khoản này.
Theo quy định trên, giáo viên nếu chỉ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động sẽ không thuộc đối tượng được tính để hưởng phụ cấp thâm niên.
Giáo viên hợp đồng có được đóng bảo hiểm xã hội?
Luật sư Phó Dũng cho biết, căn cứ Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được kí giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 đến dưới 3 tháng.
Theo quy định trên, nếu đơn vị giao kết hợp đồng lao động đối với giáo viên có thời hạn từ 1 tháng trở lên thì phải tham gia BHXH bắt buộc cho giáo viên.
Giáo viên và nhà trường sẽ cùng đóng BHXH theo tỉ lệ được quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Nguồn: laodong