Người ta thường hỏi Inamori Kazuo, tuổi trẻ điều gì là quan trọng nhất? Ông trả lời chỉ bằng tám chữ: Cải thiện tâm tính, rèn luyện tâm hồn.
Kazuo Inamori, hiền nhân quản lý Nhật Bản, CEO của hai công ty Fortune 500 và ở tuổi 78, ông đã lật ngược tình thế và cứu được hãng hàng không Nhật Bản đang trên bờ vực phá sản.
Hết lần này đến lần khác tạo ra những kỳ tích kinh doanh, vị doanh nhân này cũng đúc kết ra một bộ “triết lý sống” phổ biến khắp thế giới và được các doanh nhân nổi tiếng như Jack Ma và Nhậm Chính Phi ca ngợi và săn đón.
Thành công có, danh vọng có, nhưng cũng giống như biết bao nhiêu người khác, ông cũng trải qua không ít thăng trầm trên đường đi. Bản thân ông cũng đã từng thẳng thắn nói: “Khi tôi còn trẻ, không có gì suôn sẻ cả, mọi thứ đều đi ngược lại sự mong đợi của tôi, tôi cũng đã rất nhiều lần thất bại”.
Tuy nhiên, ngay cả trong những lúc tuyệt vọng nhất, ông cũng không buông bỏ bản thân mà tiếp tục hoàn thiện trí tuệ, nhân cách, tư duy, v.v.
Những bài học từ người đàn ông thành công này sẽ giúp bạn hưởng lợi trong suốt quãng đời còn lại.
01
Học cách đầu tư vào tâm trí của bản thân
Trong cuốn sách của mình có tên “Học pháp” (tạm dịch: “Cách học”), Kazuo Inamori có nhắc đến một cụm từ gọi là “không thân với sách”:
Có nghĩa là, những thông tin trên Internet, bao gồm trò chơi, video ngắn, phim truyền hình có nội dung hời hợt, v.v. khiến chúng ta tránh xa sách và mất khả năng suy nghĩ.
Ông cho rằng những nội dung giải trí thuần túy này giống như chất độc gây nghiện và rẻ tiền.
Khi tiếp xúc với chúng quá nhiều, lòng người giống như con ngựa hoang, điên cuồng đuổi theo ham muốn hưởng lạc và không thể dừng lại dù chỉ một giây phút.
Một người, nếu muốn tiến bộ, anh ta phải học cách từ bỏ những niềm vui vụn vặt và dành thời gian có hạn của mình đi đầu tư vào trí óc.
Khi mới đi làm, Kazuo Inamori nhanh chóng phát hiện ra rằng bản thân chưa đủ kiến thức và năng lực.
Vì vậy, ông tận dụng từng chút thời gian để không ngừng lựa chọn và đọc những cuốn sách kinh điển.
Trong khi những người khác đang bận trò chuyện và chơi bài, ông đang nghiên cứu những cuốn sách chuyên khảo kỹ thuật lớn.
Trong khi những người khác ra ngoài ăn tối và ca hát, ông lại suy ngẫm về những vấn đề sâu sắc hơn như trí tuệ triết học và tôn giáo.
Sách vở và báo chí chất đống khắp nơi trong văn phòng và nhà của ông, ngay bên cạnh bồn tắm cũng có một chồng sách lớn.
Mỗi ngày sau giờ làm việc, dù bận rộn hay mệt mỏi đến đâu, ông cũng sẽ cầm một cuốn sách lên và đọc một hai trang.
Ông cũng sẽ dùng bút đỏ đánh dấu lại khi đọc được điều gì đó khiến trái tim mình rung động và đọc đi đọc lại nó.
Việc đọc và học ngày này qua ngày khác đã giúp ông trở nên nổi bật, và sau cùng, trở thành người dẫn đầu trong ngành.
Có thể thấy, đọc sách là cách tốt nhất để đầu tư cho trí óc của một người.
Sau khi nếm được trái ngọt của việc đọc, ông đã hơn một lần khuyên giới trẻ:
“Mỗi khi đọc một tác phẩm kinh điển, đó là khi bạn đang xây dựng một ‘nền tảng gốc rễ’ cho chính mình.”
Một cuốn sách hay, một cái nhìn sâu sắc và một đoạn văn có sức truyền cảm hứng sẽ dần dần tích lũy thành một pháo đài tinh thần không thể phá vỡ.
Khi bạn bối rối, bạn có thể tìm thấy hy vọng vào sự khôn ngoan của những người đi trước; khi bạn vấp ngã và bị thương, bạn cũng có thể lấy năng lượng từ đôi vai của những người khổng lồ.
Đọc nhiều, đọc sách hay, sự giác ngộ và tỉnh thức trong tinh thần sẽ trở thành nguồn sức mạnh để bạn tiếp tục “leo núi”.
02
Học cách hoàn thiện nhân cách
Ngay từ khi còn trẻ, Kazuo Inamori đã hình thành cho mình thói quen suy ngẫm thường xuyên.
Mỗi sáng, ông đều đứng trước gương, rửa mặt và xem lại những suy nghĩ, hành động của mình:
“Mày có làm cho người khác cảm thấy không vui không? Mày có tử tế với người khác không? Mày có lời nói kiêu ngạo nào không? Mày có lời nói hay việc làm ích kỷ nào không?”
Bất cứ khi nào làm điều gì đó không phù hợp, ông đều sẽ nói lời xin lỗi và thúc giục bản thân sửa chữa ngay lập tức.
Ông nói:
“Nếu bạn không gieo những bông hoa và cây cối xinh đẹp trong khu vườn tâm hồn mình, nó sẽ chỉ toàn là cỏ dại. Nghĩa là, nếu không suy ngẫm, lòng bạn sẽ đầy cỏ dại.”
Trên đời này không có ai là không mắc sai lầm, nhất là khi mới bước chân ra ngoài xã hội, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bước hụt và đi sai đường.
Tuy nhiên, mỗi sai lầm, mỗi thiếu sót đều là cơ hội để bạn không ngừng hoàn thiện bản thân.
Hai ông chủ tập đoàn nổi tiếng, Konosuke Matsushita và Soichiro Honda, đều là những “nhà hiền triết trong quản lý”, và họ cũng coi việc xem xét nội tâm là tôn chỉ của mình trong cuộc sống.
Konosuke Matsushita tin rằng khi mọi việc diễn ra suôn sẻ thì mọi người phải cảnh giác hơn, vì tai nạn thường xảy ra vào thời điểm này.
Vì vậy, mỗi ngày dù công việc bận rộn tới mấy, ông cũng vẫn luôn dành ra một giờ để xem xét, suy ngẫm.
Khi phát hiện nhân viên mắc sai lầm, ông sẽ nghiêm túc sửa chữa và yêu cầu họ tự nhìn nhận lại bản thân một cách sâu sắc.
Theo thời gian, các quy trình từ trên xuống của công ty trở nên rõ ràng, hiệu quả và sự phát triển của công ty ngày càng tốt hơn.
Soichiro Honda từng là một người bốc đồng, ông thường xuyên nói và làm những điều gây nhiều tranh cãi khi còn trẻ.
Khi trách nhiệm ngày càng tăng lên, ông bắt đầu suy ngẫm về những lỗi lầm của mình và cố gắng đề cao việc tu dưỡng bản thân.
Theo thời gian, ông trở nên điềm tĩnh và dễ gần hơn, nhận được sự tôn trọng của mọi người ở cả trong lẫn ngoài ngành.
Một người dù giỏi đến mấy cũng không thể biết hết mọi thứ hay trở thành một người toàn năng.
Chỉ khi biết “hướng nội”, nhìn nhận lại chính bản thân, bạn mới có thể kịp thời phát hiện ra những vấn đề và sơ suất của chính mình.
Kẻ kiêu ngạo sẽ mắc bẫy, kẻ tự xét mình sẽ sống sót.
Một người không thể tự soi xét mình sẽ giống như một con thú bị nhốt trong lồng, một bước cũng khó mà di chuyển.
Khi bạn biết nhìn lại bản thân, bù đắp những khuyết điểm và không ngừng hoàn thiện, bạn sẽ có thể thoát ra khỏi cái lồng một cách dễ dàng.
03
“Lợi người” chính là lợi ta
Kazuo Inamori luôn tin vào một triết lý có tên “triết lý một bình nước”: cuộc đời mỗi người luôn sẽ có những lúc “thiếu nước”.
Khi người khác cần giúp đỡ, bạn đưa “bình nước” và giúp đỡ họ ở một mức độ nhất định.
Khi bạn gặp khó khăn, họ sẽ cố gắng hết sức để đền đáp bạn.
Vậy cho nên, dù đã làm kinh doanh rất nhiều năm, ông chưa bao giờ đối xử tệ bạc với nhân viên của mình.
Ngay cả khi công ty Kyocera ở thời điểm tồi tệ nhất, ông vẫn không trì hoãn lương hay sa thải nhân viên.
Các nhân viên vô cùng cảm động và nỗ lực hết mình để giúp Kyocera vượt qua khó khăn, thậm chí trở thành công ty Fortune 500.
Ngay cả trong quá trình giải cứu hãng hàng không Nhật Bản (JAL) khi hãng tuyên bố phá sản, bản thân ông dù không có lương nhưng vẫn luôn cố gắng hết sức để tăng lương cho nhân viên và đối xử với họ tốt hơn trước đó.
Ông cũng tích cực hướng dẫn nhân viên: hãy suy nghĩ nhiều hơn từ góc độ của hành khách, làm thế nào chúng ta có thể cung cấp những dịch vụ họ thực sự cần?
Dưới ảnh hưởng của ông, nhân viên đã thay đổi thái độ làm việc chiếu lệ trước đây của mình.
Trước đây, khi làm thủ tục, nhân viên quầy làm thủ tục chỉ làm theo quy định và không thèm nói lấy một câu.
Nhưng hiện tại, anh nhiệt tình chào đón hành khách và kiên nhẫn hỏi xem họ có nhu cầu gì khác không.
Trước đây, khi cơ trưởng đưa ra thông báo trên chuyến bay, anh ta sẽ chỉ làm theo kịch bản và lặp lại cùng một bản sao hàng trăm lần.
Hiện tại, nội dung được cập nhật theo nhiều cách khác nhau và nội dung độc quyền được tùy chỉnh cho hành khách đi chuyến bay ngày hôm đó.
Chỉ 2 năm 8 tháng sau, JAL đã được niêm yết lại sau khi nhận được nhiều lời khen ngợi về dịch vụ chất lượng cao.
Thế giới bên ngoài ca ngợi Inamori Kazuo là người xuất sắc, một tay ông cứu một công ty đang gặp nguy hiểm, nhưng ông lại nói: Thực tế, những gì bạn có thể làm chỉ dựa vào sức mạnh của mình đều có giới hạn. Nếu muốn đạt được thành công nào đó, bạn phải dựa vào một loại “sức mạnh khác”.
Cái gọi là “sức mạnh khác” là đặt lợi ích của mọi người lên trên.
Nếu hôm nay bạn cầm ô cho người khác, ngày mai người khác sẽ mở đường cho bạn.
Khi bạn đặt nhu cầu của người khác lên hàng đầu trong mọi việc bạn làm và coi lợi ích của người khác là ưu tiên hàng đầu của mình, may mắn sẽ không ngừng tìm đến với bạn.
Học cách quan tâm đến người khác và cuối cùng, chính bạn sẽ là người được hưởng lợi.
Người ta thường hỏi Inamori Kazuo, tuổi trẻ điều gì là quan trọng nhất?
Ông trả lời chỉ bằng tám chữ: Cải thiện tâm tính, rèn luyện tâm hồn.
Theo quan điểm của ông, cái gọi là cuộc sống, xét cho cùng, là sự tích lũy không ngừng của mỗi phút mỗi giây.
Những thay đổi to lớn và những thành tựu đáng kinh ngạc đều được xây dựng nên từ mỗi một viên gạch, ngày này qua ngày khác.
Hãy tin rằng số phận của bạn là không cố định, bạn có thể điều chỉnh tốc độ và hướng đi của mình bất cứ lúc nào để có thể đến được cái đích đến lý tưởng của bản thân.
ccvcnews