9 ngành học dưới đây bị đánh giá có tỷ lệ tuyển dụng rất thấp tại châu Á
Ở tuổi 18, các bạn học sinh sẽ phải quyết định về ngành học sau này của mình trước thềm thi Đại học. Mỗi ngành học đều có cơ hội việc làm và tỷ lệ tuyển dụng khác nhau, do đó bạn cần tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Nếu vẫn còn đang phân vân, hãy thử tham khảo thống kê này của Sohu về những ngành nghề cực khó tìm việc làm ở Châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc:
1/ Quản trị kinh doanh
Quản trị kinh doanh là một nhánh của nghề quản lý. Các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực quản lý đều có điểm chung là học nhiều lý thuyết, trong khi đó muốn quản lý giỏi thì phải rèn luyện thực hành. Lâu dần, ngành Quản trị kinh doanh có thể khiến cho sinh viên cảm thấy đang học lý thuyết suông trên giấy, khó áp dụng vào thực tế.
Nếu làm đúng chuyên ngành thì sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh sẽ làm ở vị trí quản lý trong các doanh nghiệp và tổ chức. Tuy nhiên, có rất ít công ty dám cho một sinh viên mới tốt nghiệp đảm nhiệm chức vụ quản lý.
2/ Quản lý tài nguyên thông tin
Ở Trung Quốc, ban đầu tên gọi của ngành này là Khoa học lưu trữ và quản lý thư viện. Tuy nhiên, do khó tuyển sinh nên các trường đã đổi tên thành Quản lý tài nguyên thông tin. Về cơ bản, cử nhân sau khi tốt nghiệp chỉ có thể làm việc ở thư viện. Do đó, cơ hội thăng tiến của ngành không có, trong khi việc làm lại khá nhàn và không đem lại nhiều kinh nghiệm.
3/ Quản lý Logistics
Trong thời đại mua sắm trực tuyến phát triển, ngành Quản lý Logistics ngày càng có nhiều triển vọng theo. Tuy nhiên ở Trung Quốc, ngành học này lại mang nặng tính lý thuyết hơn thực hành, dẫn đến sinh viên có ít kinh nghiệm thực chiến. Thậm chí nếu tốt nghiệp ở trường danh tiếng, sinh viên cũng chỉ bắt đầu ở những vị trí nhỏ trong công ty.
4/ Ngôn ngữ và văn học Trung Quốc
Chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc được coi là ngành “phù hợp cho tất cả mọi người”. Do đó, số lượng thí sinh đăng ký và tốt nghiệp mỗi năm rất cao. Tuy nhiên, chính vì đặc điểm của ngành dẫn đến sinh viên sau khi học xong ngành này thường có xu hướng “làm gì cũng được, nhưng không chuyên sâu việc gì”.
Sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc, sinh viên thường tìm các công việc cơ bản hoặc thi công chức, dạy ở các trường….
5/ Thương mại điện tử
Với sự phát triển nhanh chóng mặt của mua sắm trực tuyến, nhiều bạn trẻ học ngành Thương mại điện tử với mong ước dẫn đầu xu thế, có cơ hội nhận được mức lương trong mơ.
Song, mặt trái là số lượng tuyển sinh quá nhiều, các trường ồ ạt mở ngành dẫn đến chất lượng đội ngũ giảng viên chưa đạt tiêu chuẩn. Ở một số nơi, giảng viên chỉ dạy lý thuyết, ít có tính thực hành. Do đó, nếu sinh viên không chủ động học hỏi kiến thức, có thể dẫn đến bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa khác.
6/ Biểu diễn âm nhạc hoặc diễn kịch
Hàng năm ở Trung Quốc, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành học này ở các trường nghệ thuật, song tỷ lệ việc làm cực thấp.
Một số sẽ làm việc trong đoàn kịch hoặc trường học, đi kèm mức lương cũng khác nhau. Số khác đi theo con đường nghệ thuật với mong ước trở thành ngôi sao. Song chỉ có số ít có cơ hội ký hợp đồng chính thức, trở thành nghệ sĩ giải trí nổi tiếng.
7/ Nghề nhân sự
Ở Trung Quốc, nhiều nữ giới có xu hướng chọn ngành nhân sự để học. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường lao động đang đi xuống trầm trọng, nguồn nhân lực trong doanh nghiệp có hạn thì tỷ lệ việc làm của nghề nhân sự là rất thấp.
8/ Quản lý khách sạn
Khi học ngành Quản lý khách sạn, sinh viên sẽ được đào tạo các kỹ năng khác nhau về cách phục vụ trong nhà hàng, khách sạn, phục vụ ăn uống, thực tập tiếp đón du khách…
Nguyên nhân sinh viên học ngành này ít việc làm bởi hầu hết cử nhân đào tạo bậc đại học đều không đáp ứng tiêu chuẩn trong các nhà hàng quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp không thể làm trong các khách sạn lớn hoặc hạng sang, tuy nhiên, họ cũng không chấp nhận làm ở các khách sạn bình dân, đến đến tỷ lệ thất nghiệp cao.
9/ Luật
Kỳ thi tư pháp được đánh giá là một trong những kỳ thi khó, tỷ lệ đậu rất thấp ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, thực tế, rất ít chuyên gia có thể đi theo ngành Luật so với số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp hàng năm.
Sinh viên đại học chưa có nhiều kinh nghiệm nên có ít đơn vị tuyển dụng. Trong khi đó, các công ty cũng yêu cầu sinh viên có trình độ tốt nghiệp bậc cao hơn đại học.
Nguồn: ccvcnews