‘Có cán bộ nhận quyết định kỷ luật cảm thấy nhẹ nhõm’

Theo bà Trương Thị Mai, các quyết định kỷ luật vừa qua rất thận trọng, chặt chẽ khiến cán bộ sai phạm tâm phục, khẩu phục, thậm chí thấy nhẹ nhõm.

Ngày 27/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết thực tiễn xử lý cho thấy đa số cán bộ vi phạm bị kỷ luật chấp hành nghiêm quyết định của Đảng và tán thành kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Có cán bộ sau khi nhận quyết định kỷ luật “thấy nhẹ nhõm trong tư tưởng, giải tỏa được gánh nặng”. Có người “không có ý kiến gì thêm, xin chấp hành kỷ luật của Đảng vì thấy mình phải chịu trách nhiệm về các sai phạm”. Sau khi có Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức, có cán bộ còn trẻ nhưng cũng làm đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi nhiệm vụ để làm dân thường.

“Nhưng không ai mong muốn cán bộ vi phạm để xử lý”, bà Mai nói, cho biết để làm nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tốn rất nhiều thời gian, công sức. Các cơ quan cũng phải thận trọng, chặt chẽ, qua nhiều khâu để kết luận chính xác, khách quan, khiến người được kiểm tra tâm phục khẩu phục.

Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nói tại hội nghị ngày 27/12. Ảnh: TTXVN
Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nói tại hội nghị ngày 27/12.
Ảnh: TTXVN© Được VnExpress cung cấp

Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 83 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó 59 người có khuyết điểm từ trước, 24 vi phạm ở hiện tại. Hơn 1.400 tổ chức đảng, hơn 66.000 đảng viên bị kỷ luật. So với con số hơn 50.000 tổ chức cơ sở đảng, hơn 5,3 triệu đảng viên thì số bị kỷ luật “không quá lớn nhưng cũng không nhỏ”.

“Chưa bao giờ việc xử lý tới mức độ này. 83 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý là vấn đề rất đáng quan tâm, cần được đặt ra và tìm câu trả lời”, bà Mai nói.

Theo Thường trực Ban Bí thư, sau khi Đảng đẩy mạnh chủ trương xây dựng chỉnh đốn, phòng chống tham nhũng tiêu cực, vẫn còn tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý. “Vi phạm này là do vô ý hay cán bộ chưa biết sợ, muốn vụ lợi, đặt lợi ích của cá nhân cao hơn lợi ích của Đảng?”, bà Mai đặt câu hỏi, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các giải pháp khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy định mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành. Đó là: Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Các Quy định của Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng…

Ông Tú đề nghị các địa phương, đơn vị nhanh chóng hoàn thành, báo cáo kết quả kiểm tra liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như vụ án Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát…

Nguồn: vnexpress.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay