Đây là “điểm đến” mới của nhiều người khi chưa có việc làm.
Mỗi ngày trong tuần, Qin Ran đều đến thư viện công cộng Bắc Kinh từ sớm, ngồi vào chỗ ngồi yêu thích và nghĩ về tương lai của cuộc đời của mình.
Đã hai năm kể từ khi người phụ nữ 36 tuổi mất việc. Tuy nhiên, sau một vài dự án làm freelance và gửi khoảng hơn trăm bản sơ yếu lý lịch, cô chỉ nhận được hai cuộc phỏng vấn và không thành công. Giờ đây, Qin dành cả ngày để lướt mạng xã hội và ôn thi cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học, điều mà cô hy vọng sẽ giúp bản thân trì hoãn việc tìm kiếm việc làm một thời gian.
Qin cũng bắt đầu chú ý đến những người ở độ tuổi của cô ấy hoặc trẻ hơn cũng đến thư viện mỗi ngày. Mặc dù công việc không phải là một phần của cuộc trò chuyện giữa họ, nhưng cô cho rằng có một sự ngầm hiểu lẫn nhau rằng tất cả đều đang thất nghiệp. “Còn hơn 20 năm nữa tôi mới đến tuổi nghỉ hưu. Liệu tôi có cơ hội với một công việc khác không?” Qin hỏi.
Trung Quốc đang phải đối mặt với một số thách thức sau khi thoát khỏi đại dịch với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. Và trong bối cảnh ấy, nhiều người đã chọn “ẩn náu” tại thư viện. Một số người cho rằng họ cảm thấy “bí bách” khi ở nhà hoặc xấu hổ không dám nói với người thân rằng mình bị mất việc nên cần tìm địa điểm để đi ra ngoài mỗi ngày.
Đi chơi ở Starbucks thì tốn kém. Giết thời gian trong công viên – điều mà nhiều người ở Nhật Bản đã làm trong những năm 1990 khó khăn – không có tác dụng khi thời tiết xấu.
Ý tưởng “trú ẩn tại thư viện” đã lan rộng trên mạng xã hội khi ngày càng có nhiều người thất nghiệp đăng tải những trải nghiệm của họ trong những ngày qua tại địa điểm này. Nó đã truyền cảm hứng cho những người khác làm điều tương tự.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt kỷ lục 21,3% vào đầu năm nay, trước khi chính phủ ngừng công bố dữ liệu với nguyên nhân cần cải thiện phương pháp luận. Mặt khác, tại Trung Quốc, các công ty tư nhân vẫn có xu hướng sa thải nhân viên.
Một trường hợp khác tại Quảng Châu, dù đã nghỉ, gia đình của Echo Wan vẫn cho rằng cô đang làm việc trong bộ phận kiểm soát rủi ro tại Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ. Trên thực tế, người phụ nữ 35 tuổi này đã nghỉ việc vào tháng 10 sau khi công ty muốn cô chuyển đến một đội mới nhưng Wan lại cho rằng mình không phù hợp. Giờ đây, đối mặt với thị trường việc làm khó khăn hơn mong đợi, cô hối hận vì đã không cố gắng tìm kiếm thêm cơ hội nội bộ.
Wan cũng tới thư viện Quảng Châu để “tìm kiếm sự yên bình” – nơi cô có thể đọc sách hoặc chợp mắt trên ghế. Mặt khác, cô cũng sẽ dành thời gian để nộp hồ sơ xin việc. Wan có bằng thạc sĩ toán học và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm soát rủi ro.
Cô nói: “Các doanh nghiệp phản hồi rất thờ ơ. Sự nghiệp của tôi trước đây suôn sẻ hơn rất nhiều. Đó là điều khó có thể lặp lại vào lúc này”.
Theo Wall Street Journal, cũng nhiều người thất nghiệp dành thời gian ở thư viện đã kiếm được việc làm mới, mặc dù trải nghiệm này đôi khi làm lung lay sự tự tin của họ.
Howie Huang, 33 tuổi, đã dành hàng tháng trời để đến Thư viện Pudong sang trọng ở Thượng Hải sau khi anh mất việc ở ngành công nghệ thông tin vào mùa hè này. Anh đã gửi hàng trăm bản lý lịch và ghi lại những lo lắng của mình vào một tệp nhật ký trực tuyến mà anh chia sẻ công khai cho mọi người.
Tệp nhật ký ghi lại cách anh “giấu” tình trạng của mình với cha mẹ, những người không thường xuyên lên mạng, để họ không phải lo lắng. “Đến thư viện có vẻ như là điều tôi buộc phải làm”, anh chia sẻ.
Sau bốn tháng, Huang cuối cùng cũng có được công việc mới, mặc dù mỗi chiều phải mất 80 phút di chuyển. Anh đã bị sa thải hai lần trong hai năm, điều này khiến anh lo lắng sau một thập kỷ thăng tiến thành công.
Nhiều người đến thư viện thường xuyên nhất là những sinh viên mới tốt nghiệp đại học, những người nằm trong số những người gặp “cảnh khó khăn” hàng đầu trên thị trường lao động Trung Quốc.
Tian, một phụ nữ 25 tuổi, ngày càng bối rối về việc liệu học đại học có phải là sự lãng phí thời gian của mình hay không. Sau khi tốt nghiệp được hai năm, cô muốn xin việc làm công chức để ổn định hơn. Nhưng điều đó có nghĩa phải cạnh tranh với hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp khác trong một kỳ thi chỉ chọn ra 2% trong số họ, và cô đã trượt một lần.
Trong khi đi chơi ở thư viện, cô đã ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi khác, đồng thời phân vân liệu đã đến lúc nhận một công việc “khiêm tốn” và khó dùng hết khả năng của mình hay chưa.
Tian cho biết hiện nay một số bạn cùng lớp của cô đang làm việc tại quán trà sữa. Nếu ai cũng làm những công việc bàn giấy, các công việc khác ai sẽ là người phụ trách. Tuy nhiên, cô luôn cảm thấy bị giằng xé mỗi khi định nhượng bộ. “Tôi đã học rất chăm chỉ để có thể có nhiều lựa chọn hơn”, cô chia sẻ.
Tham khảo WSJ