Đối với những người trung niên, điều khó khăn hơn cả thất nghiệp là phải nói với gia đình rằng mình đang thất nghiệp.
Bài viết là lời chia sẻ của một người phụ nữ giấu tên được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc)
Starbucks vào ngày thứ Hai đông nghịt đàn ông và phụ nữ trung niên thất nghiệp. Không muốn gia đình lo lắng, họ đến đây giả vờ làm việc. Họ sẽ gọi cho mình một tách cà phê rồi điên cuồng gửi hồ sơ xin việc. Thậm chí, nhiều người còn không gọi cà phê, chỉ tận dụng điều hoà và không gian miễn phí ở đây.
Không hiểu từ bao giờ, Starbucks trở thành chỗ náu ẩn của những người trung niên thất nghiệp. Những người này lẽ ra phải ngồi tại văn phòng thảo luận công việc, gặp gỡ khách hàng, giải quyết email và xử lý các cuộc họp. Nhưng giờ họ mất việc và phải… giả vờ đi làm mỗi ngày.
Tôi có một người bạn đã 36 tuổi, từng đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực của riêng mình. Nhưng sau khi mất việc, người bạn đã ngồi ở Starbucks 3 tháng liên tục mà không tìm được vị trí mới. Anh ấy đúng 8 giờ sẽ ra khỏi nhà rồi tới Starbucks, trưa mua đồ ăn hoặc tìm mua tại cửa hàng tiện lợi. Thỉnh thoảng, nếu vợ gọi điện đột xuất, anh ấy sẽ chạy vào một toà nhà có văn phòng gần đó nhằm che đậy. Gần đây, vì không đưa tiền lương cho vợ nên vợ anh ấy bắt đầu nghi ngờ.
Thực tế có khá nhiều người không còn trẻ nữa nhưng lại rơi vào tình cảnh mất việc. Trên khuôn mặt họ không có chút cảm xúc, ngồi thu mình trong góc quán cà phê, chỉ gọi một tách nhỏ để chống chọi cả ngày dài. Hai tay họ liên tục gõ bàn phím máy tính hoặc nghe điện thoại, ánh mắt không giấu được sự lo lắng. Đối với những người trung niên, điều khó khăn hơn cả thất nghiệp là phải nói với gia đình rằng mình đang thất nghiệp.
Ngày nay, sự phân biệt tuổi tác đã trở thành một trong những kẻ thù nghiêm trọng nhất trong việc tìm công việc. Nếu bạn trên 40 tuổi, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn đã có tư duy cứng nhắc, khó tiếp thu điều mới. Nếu bạn trên 50 tuổi, họ sẽ đánh giá bạn đã cạn kiệt nguồn lực. Còn ở tuổi 35 thì được gọi là giai đoạn “sự nghiệp thăng trầm”.
Khi bước sang tuổi trung niên, nhiều người dù bất mãn với công ty đến đâu, dù có khó khăn, mệt mỏi cũng chỉ biết cố gắng chịu đựng. Bởi họ sợ mất việc, đồng nghĩa với tình trạng thất nghiệp kéo dài.
Wei Peng, 45 tuổi (Trung Quốc) là bạn của tôi. Anh ấy từng là Giám đốc một công ty thiết kế nội thất với thu nhập lên tới 800.000 NDT/năm (khoảng 2,7 tỷ đồng), giám sát hàng trăm nhân sự bên dưới. Sau đó, công việc sa sút khiến anh không thể tiếp tục kinh doanh, buộc phải tìm việc mới. Anh cố gắng gửi gần 50 hồ sơ đến khắp các công ty nhưng không được tuyển dụng.
Ở nơi làm việc, trình độ học vấn là một điểm cộng và kinh nghiệm làm việc là điểm cộng. Nhưng tuổi tác mới là yếu tố quyết định. Tuổi quá cao là trở ngại lớn nhất đối với việc làm của người trung niên.
Tình trạng này càng trở nên tồi tệ đối với những người đàn ông bởi họ là trụ cột của gia đình. Việc gia đình mất đi nguồn thu nhập chính đúng là thảm hoạ. Và các khoản vay mua nhà, mua xe, tiền sinh hoạt, tiền đóng học cho con cái,… vẫn cần được thanh toán mỗi tháng.
Hay Chen Tao – Thạc sĩ Triết học tốt nghiệp ngôi trường danh giá hàng đầu Trung Quốc ở tuổi 38 vẫn gặp trở ngại sau khi mất việc. Thậm chí, anh đã xin làm đạo sĩ tại một ngôi chùa ở quê nhà nhưng bị từ chối vì quá tuổi.
Cuộc sống của anh như đột ngột rơi xuống đáy, tưởng chừng không thểt vượt lên được. Nhưng gần đây, công việc của Chen Tao đã có bước tiến mới. Anh tìm được 5 công việc bán thời gian, giúp anh làm chủ được thời gian lại có thu nhập tốt hơn nhiều so với trước đây. Hiện tại, anh khá hài lòng với cuộc sống.
Có lẽ không ít người từng phải trải qua giai đoạn thăng trầm trong sự nghiệp. Nhưng chỉ cần bạn không bỏ cuộc, không nản chí thì khó khăn, thách thức nào cũng có thể vượt qua.
Nguồn: CFF