Những ‘bí quyết’ cần nắm vững khi bước vào vòng 2 Kỳ thi tuyển dụng công chức Bộ Ngoại giao

Kỳ thi tuyển dụng công chức của Bộ Ngoại giao có yêu cầu rất cao, đòi hỏi các thí sinh phải có sự chuẩn bị kỹ càng về cả kiến thức, kỹ năng và tâm lý.

Vòng 2 của Kỳ thi tuyển dụng công chức của Bộ Ngoại giao. Tại phần thi này, các thí sinh sẽ phải trải qua 2 bài thi viết, một bài thi chuyên ngành và một bài thi ngoại ngữ. Sau khi có kết quả của phần I, các thí sinh đủ điều kiện sẽ bước vào phần II thi vấn đáp.

(12.25) Trụ sở Bộ Ngoại giao tại số 1 Tôn Thất Đàm. (Ảnh: Quang Hòa)
Trụ sở Bộ Ngoại giao tại số 1 Tôn Thất Đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Do tính chất quan trọng nhằm tìm kiếm được những nhà ngoại giao tương lai, vậy nên kỳ thi tuyển dụng công chức của Bộ Ngoại giao có yêu cầu rất cao, đòi hỏi các thí sinh phải có sự chuẩn bị kỹ càng về cả kiến thức, kỹ năng và tâm lý.

Trong đợt tuyển dụng những năm vừa qua, nhiều thí sinh đã thành công ghi tên mình vào danh sách những người trúng tuyển và chính thức trở thành các tân cán bộ ngoại giao. Giống như những ứng cử viên khác, họ đều trải qua quá trình rèn luyện và vượt khó để chạm đến được giấc mơ của mình.

Vững kiến thức, chắc kỹ năng

Đối với kinh nghiệm của Nguyễn Phương Hồng Ngọc, chuyên viên Vụ Trung Đông-châu Phi, việc chuẩn bị kỹ lưỡng là 70% sự thành công. Ngoài kiến thức, việc xác định những khó khăn, thách thức của kỳ thi cũng như những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân sẽ giúp các bạn đặt mục tiêu rõ ràng hơn và chuẩn bị tâm lý vững vàng hơn.

Nguyễn Phương Hồng Ngọc, chuyên viên Vụ Trung Đông-châu Phi.
Nguyễn Phương Hồng Ngọc, chuyên viên Vụ Trung Đông-châu Phi.

Các thí sinh cần xem qua các đề thi của năm trước để biết một số dạng đề cơ bản và những nội dung thường được hỏi để biết cách ôn tập có chọn lọc. Những thông tin này được công bố rộng rãi trên website của Bộ Ngoại giao tại mục Tuyển dụng.

Để chuẩn bị kỹ hơn về kiến thức, theo Hồng Ngọc các thí sinh cần đọc nhiều bài phân tích để xây dựng hệ thống lập luận, đồng thời theo dõi báo chí, thời sự và cập nhật liên tục những diễn biến mới nhất để làm dẫn chứng cho bài thi.

Các bạn thi quan hệ quốc tế có thể tham khảo các tạp chí chuyên ngành hàng đầu như International Security, Foreign AffairsForeign Policy… hay website của các think-tank như CSIS, IISS, CFR… Đối với các ấn phẩm trong nước, có thể tham khảo tạp chí Nghiên cứu Quốc tế và website Nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao, ngoài ra cũng có rất nhiều bài viết của các nhà ngoại giao, cán bộ nghiên cứu kỳ cựu của Bộ Ngoại giao được đăng tải trên báo chí.

Đối với những vấn đề có liên quan đến lợi ích quốc gia – dân tộc, các bạn nên tìm đọc những nguồn báo chính thống của Đảng, Chính phủ cũng như phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao để hiểu rõ chủ trương, đường lối và quan điểm của Việt Nam.

Còn theo Bùi Phan Quang Anh, chuyên vụ Vụ các Tổ chức quốc tế, các thí sinh cần phải nắm rõ nội dung Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII, cụ thể hơn là phần dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới và đặc biệt là phần về đối ngoại. Điều quan trọng là việc phải hiểu được những điểm mới trong đường lối đối ngoại của Đại hội XIII so với văn kiện của những kỳ Đại hội trước.

Bài viết chuyên ngành

Cả Phương Ngọc và Quang Anh đều có chung cách ôn tập bài thi này giống nhau. Do mỗi câu hỏi sẽ có những yêu cầu khác nhau về mặt nội dung và cách tiếp cận. Trong quá trình ôn thi, các thí sinh nên thường xuyên luyện đề bằng cách tham khảo đề thi của những năm trước.

Ngoài việc chuẩn bị thật kỹ các kiến thức, bài thi cũng đòi hỏi các thí sinh phải có khả năng tư duy để đưa ra được cách triển khai nội dung thật chặt chẽ, toàn diện. Do đó, các thí sinh cần tự luyện các kỹ năng như phân tích đề, từ đó xây dựng hệ thống lập luận và đưa ra nhiều dẫn chứng để bài viết thêm sinh động.

Một trong những kỹ năng quan trọng khác mà một số thí sinh nhiều khi bỏ qua, đó chính là việc phân bổ thời gian làm bài. 180 phút cho một bài thi nghe có vẻ “dài” nhưng sẽ trôi qua rất nhanh, do đó các thí sinh cần chú ý đặt ra mục tiêu về thời gian sao cho hợp lý và cố gắng hoàn thành đúng mục tiêu đó.

Theo Phương Ngọc, điều đầu tiên khi cầm đề là các thí sinh phải phân tích thật kỹ đề bài và lập dàn ý. Nếu được thì thí sinh nên chốt luôn dàn ý cho cả hai câu hỏi, lúc sau chỉ cần tập trung viết dựa trên dàn ý, sẽ tránh việc mất thêm thời gian xây dựng dàn ý và làm ảnh hưởng đến mạch viết. Thời gian phân tích đề và lập dàn ý nên là tối thiểu 10 phút và tối đa 20 phút, còn lại chia đều để xử lý nội dung cho hai câu hỏi.

Bùi Phan Quang Anh, chuyên viên Vụ các Tổ chức quốc tế.
Bùi Phan Quang Anh, chuyên viên Vụ các Tổ chức quốc tế.

Bài viết ngoại ngữ

Thoạt đầu, tưởng chừng bài thi ngoại ngữ không quá khó đối với những bạn có khả năng ngoại ngữ tốt hay từng đi du học nước ngoài. Tuy nhiên, bài thi này đòi hỏi các thí sinh phải nắm chắc những kiến thức chuyên ngành lẫn các kỹ năng như tóm tắt, dịch xuôi và dịch ngược.

Đối với bài dịch xuôi (từ ngoại ngữ sang tiếng Việt), để có sự chuẩn bị chắc chắn, các thí sinh nên tập dịch và tóm tắt ở nhà với nhiều chủ đề khác nhau như quan hệ nước lớn, ngoại giao đa phương, các điểm nóng trên thế giới… Đề thi thường lấy từ các nguồn phân tích học thuật nên các bạn có thể tham khảo bài viết trên các tờ báo, tạp chí như The EconomistThe Diplomat, International Security, Foreign AffairsForeign Policy…

Để có quá trình chuẩn bị tốt nhất, Phương Ngọc chia sẻ rằng: “Mình nghĩ nguyên tắc quan trọng nhất khi dịch là phải “dịch thoáng”, “dịch thoát” để giữ được ý tứ và nội dung chính, nhưng cách hành văn và ngôn từ phải tự nhiên, phù hợp với ngữ cảnh và văn phong của ngôn ngữ dịch. Các bạn không nên dịch nguyên văn một cách cứng nhắc, dễ dẫn đến tình trạng câu từ tối nghĩa và rời rạc.”

Đối với bài dịch ngược (từ tiếng Việt sang ngoại ngữ), những từ ngữ về chủ trương, chính sách, đường lối của Việt Nam khi dịch sang tiếng nước ngoài sẽ mang sắc thái đặc thù và nhất quán, do đó các bạn hãy chú ý học thuộc những cụm từ đặc biệt này theo đúng cách dịch của các tài liệu chính thống

Theo Quang Anh, các thí sinh nên tham khảo các bài viết những báo chính thống như Báo Nhân DânVietnamPlus. Khi đọc bài viết của họ, các bạn có thể nắm được cách dịch phổ biến của những thuật ngữ chuyên ngành và tên riêng. Các bạn nên dịch sao cho thoát ý, nhưng đồng thời cũng không thêm hay thiếu nội dung.

Phần I của vòng thi thứ 2 được coi là “bước ngoặt” quan trọng của toàn bộ kỳ thi tuyển dụng công chức. Do vậy, các thí sinh cần cố gắng để thể hiện tốt nhất mới có thể qua được phần thi này và chuẩn bị cho phần thi vấn đáp.

Thi vấn đáp

Ở vòng thi vấn đáp, các giảm khảo có thể hỏi thí sinh về bất kỳ vấn đề gì, từ kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phong cách làm việc đến trải nghiệm, dự định của các thí sinh. Vì thời gian ôn thi có hạn, các thí sinh nên ưu tiên việc đọc hiểu khái quát để nắm được bức tranh tổng quan thay vì tập trung vào số ít chủ đề.

Đối với các nội dung chuyên môn, các thí sinh cần chú ý theo dõi thời sự để luôn luôn cập nhật những nội dung mới nhất và “nóng” nhất có liên quan đến chuyên ngành thi của mình. Ngoài ra, nên chú ý thêm các bài phân tích của các chuyên gia trong nước và ngoài nước, đặc biệt là cần tìm hiểu về quan điểm chính thức của Việt Nam nếu đây là các vấn đề có liên quan đến lợi ích quốc gia – dân tộc.

Theo Phương Ngọc, về mặt nội dung thi vấn đáp, cách tiếp cận và trình bày vấn đề là yếu tố quan trọng nhất. Các thí sinh đừng quá lo lắng về việc mình trả lời “đúng” hay “sai”, miễn là các bạn nêu rõ quan điểm của mình và đưa ra được các lập luận, dẫn chứng cụ thể để bảo vệ quan điểm đó.

Các thí sinh có thể tập trả lời phỏng vấn để chuẩn bị tâm lý và sửa một số lỗi trong giao tiếp nếu có, ví dụ như nói quá nhanh, nói quá chậm, hay “à, ầm, ờm” khi đang nói… Các bạn nên nhờ bạn bè, người thân của mình đóng vai trò người phỏng vấn để giúp bạn nhìn ra các lỗi sai, hoặc có thể tự tập nói trước gương và ghi âm lại để biết phần trình bày của mình còn những vướng mắc gì và tìm cách khắc phục.

Cách ăn mặc cũng phần nào đánh giá sự chuẩn bị của một thí sinh. Khi đi thi, các thí sinh nên chọn một bộ trang phục công sở thanh lịch. Đối với các bạn nữ có thể trang điểm nhẹ nhàng để cảm thấy tự tin hơn.

Cuối cùng, một tâm lý tự tin, bình tĩnh và cầu thị là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tốt phần thi phỏng vấn. Khi bước vào phòng thi, hãy chào ban giám khảo với một nụ cười tươi để “phá băng” và giúp tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái.

Trải nghiệm của Phương Ngọc đối với phần thi phỏng vấn là ban giám khảo muốn biết rõ về bạn hơn, cả về kiến thức chuyên môn cũng như tính cách, con người của bạn. Do đó, các thí sinh không nên quá “sợ” phần thi phỏng vấn hay nghĩ rằng ban giám khảo đang “làm khó” mình. Các bạn hãy luôn giữ thái độ lễ phép, khiêm tốn, vui tươi và cứ là chính mình nhé.

Nguồn: https://baoquocte.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay