Trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ở mức 15-19%, chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra.
Thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sáng 14/12.
Theo nghị quyết này và Luật Giáo dục năm 2019, ngân sách chi cho giáo dục phải đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, chi cho giáo dục và đào tạo chỉ ở mức 15,7-19,1%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng mức đầu tư trên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo. Việc phân bổ ngân sách còn bất cập. Ngân sách địa phương phân bổ cho hoạt động giáo dục chủ yếu chi cho lương, thậm chí một số địa phương không bảo đảm cơ cấu chi cho giáo dục.
Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học còn rất thấp. Nhiều trường công lập không đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng. Như năm 2020, theo số liệu Bộ Tài chính, dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học chiếm 0,96% tổng chi ngân sách nhà nước và tương đương 0,27% GDP, trong khi mức trung bình của các nước trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lần lượt là 2,8% và 1%. Ở các nước liên minh châu Âu, các số này là 2,6% và 0,9%.
Ngoài ra, giáo dục và đào tạo cũng chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, là quốc sách hàng đầu nhưng sự đầu tư, các chính sách hiện tại chưa đảm bảo đầy đủ quan điểm này.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình giáo dục cần được ưu tiên đầu tư hơn nữa, đảm bảo mức như yêu cầu của nghị quyết 29.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng giáo dục và đào tạo 10 năm qua đã có những đổi mới to lớn, chuyển biến tích cực nhờ nghị quyết 29. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiến nghị tiếp tục kiên trì định hướng đổi mới.
Ông Sơn nói đến ba vấn đề chính khi tiếp tục thực hiện nghị quyết 29 là nhận thức, thể chế và nguồn lực. Nguồn lực ở đây bao gồm tài chính đầu tư cho giáo dục và con người.
Hai từ khóa rất quan trọng là tiền và con người”, ông Sơn nói.
Trong đó, với nguồn lực tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị đảm bảo ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Ban cán sự đảng Bộ cũng đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết 29, trong đó nhà nước đảm bảo kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Ngoài ra, Bộ cho rằng cần nghiên cứu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2026-2030 để đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và mua sắm, sửa chữa trang thiết bị dạy học tối thiểu.
Bộ cũng mong muốn có cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học ở các ngành cần ưu tiên phát triển thông qua học bổng, cho vay tín dụng.
Cuối năm ngoái, Chính phủ từng kiến nghị Quốc hội đảm bảo tỷ lệ chi cho giáo dục đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách hàng năm. Theo Chính phủ, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, được coi là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Vì vậy, lĩnh vực này cần được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách, đảm bảo nhu cầu tối thiểu để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng và đổi mới chương trình giáo dục; hỗ trợ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu; hỗ trợ học bổng và phương tiện, đồ dùng học tập cho người khuyết tật.
Báo cáo dự toán ngân sách cho giáo dục năm 2022 của 63 tỉnh, thành cho thấy chỉ 50% địa phương đạt tỷ lệ chi cho giảng dạy và học tập tối thiểu.
Nguồn: vnexpress