Y tế trường học đóng vai trò rất quan trọng, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc và không thể để xảy ra sai sót vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Thế nhưng, vị trí việc làm, chế độ tiền lương hiện nay chưa tương xứng với những công sức, đóng góp của họ.
Nhân viên y tế trường học tiếp tục gửi tâm thư
Với mạng lưới trường học như hiện nay, hầu hết các trường đều có số lượng từ 200 – 2.400 học sinh, trong khi thường cũng chỉ có 1 nhân viên y tế trường học. Họ phải thực hiện công việc từ 6h30 đến 17h30 hàng ngày, đến trường sớm trước học sinh để trực, đề phòng có sự cố sức khỏe với học sinh…
Gửi tâm thư đến Báo Lao Động, đại diện nhân viên y tế trường học tỉnh Quảng Ninh viết: “Hàng ngày, một nhân viên y tế quay cuồng trong công việc với hàng trăm em học sinh, chúng tôi đau ốm không dám xin nghỉ phép vì sợ học sinh xảy ra tai nạn, thương tích, ngộ độc thực phẩm không có mặt để sơ cứu kịp thời…”.
Trong số họ, có những người đã làm việc theo chế độ hợp đồng hơn 10 năm với đồng lương hơn 3 triệu đồng/tháng để chờ đợi đến đợt tuyển dụng thi tuyển viên chức.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã ban hành “Thông tư số 12/2022/TT-BNV Hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập” thì nhân viên y tế trường học thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và được chế độ hợp đồng như đối với nhân viên bảo vệ, tạp vụ.
Vấn đề đặt ra là tại sao nhân viên y tế trường học là những người được đào tạo, tuyển dụng theo trình độ chuyên môn lại được xếp vào cùng vị trí việc làm với nhóm lao động không yêu cầu trình độ chuyên môn? Trong số họ, lúc tuyển dụng có yêu cầu trình độ tốt nghiệp trung cấp trở lên khối ngành y tế: Điều dưỡng, dược sĩ, nữ hộ sinh… ngoài ra còn có nhiều người là bác sĩ.
Tiếp đó, ngày 30.10.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành “Thông tư số: 19/2023/TT-BGDĐT Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập” và “Thông tư số: 20/2023/TT-BGDĐT Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập”.
Trong đó, Y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị.
Sau những văn bản này, những viên chức y tế trường học phục vụ trong ngành giáo dục hơn 10 năm qua đang thắc mắc họ sẽ đi về đâu.
“Chúng tôi tha thiết khẩn cầu Chính phủ, các Bộ, ban ngành tạo điều kiện cho chúng tôi đi học mở rộng chuyên môn để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ song song như một số nhân viên kế toán, thiết bị trường học đã được xét đi học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm 6 tháng và được đứng lớp, làm công tác giáo viên chủ nhiệm” – nhân viên y tế trường học kiến nghị.
Những thiệt thòi khó thể nào đong đếm
Chia sẻ về vấn đề nhân viên y tế trường học, đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ – cho rằng, nhân viên trường học là một bộ phận chiếm tỉ lệ ít hơn 10% tổng biên chế của một trường học nhưng lại đóng một vai trò rất quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường.
“Mặc dù họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và họ cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo, mặc dù làm cùng trong một ngành giáo dục. Hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì” – đại biểu Hà Ánh Phượng nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn: lao động