Đằng sau mức lương thấp, khối lượng công việc lớn, nhiều giáo viên cảm thấy áp lực vì luôn phải gồng mình để hạn chế thấp nhất sự phàn nàn, phản ánh, nặng hơn là khiếu kiện của phụ huynh, bị đăng tải lên mạng xã hội.
Giáo viên có lỗi vì… học sinh điểm thấp
Chia sẻ với chúng tôi về những áp lực từ công việc của nghề nhà giáo, chị Phạm Thị Huỳnh Như (giáo viên tại trường một trường tiểu học ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cho biết, đằng sau những vụ giáo viên bị quay clip, ghi âm đăng lên mạng xã hội là kéo theo những làn sóng chỉ trích, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều giáo viên hiện nay.
“Cứ lâu lâu lại đọc thấy những ồn ào về hành vi của nhà giáo như phạt học sinh, nói lời khiếm nhã trên mạng xã hội, tôi vừa buồn, vừa lo. Bây giờ nhiều phụ huynh lạm dụng mạng xã hội, nhất cử nhất động của chúng tôi đều bị theo dõi. Đáng sợ ở chỗ, mạng là hội là một chiều, bạn đọc đôi khi chỉ lướt vài dòng, chưa rõ sự việc đã ném đá, chỉ trích nên áp lực càng áp lực hơn” – chị Như bộc bạch.
Theo chị Như, bất kì ngành nghề nào cũng có những áp lực riêng, hành vi thiếu chuẩn mực của một số nhà giáo đã vô tình làm xấu đi hình ảnh của người thầy. Tuy nhiên, việc một số phụ huynh không hợp tác đã khiến việc quản lí học sinh trở nên khó khăn hơn.
“Tôi từng nhắc nhở một học sinh không thuộc bài, em lấy lí do bận nên không có thời gian học. Sau nhiều lần cho em cơ hội cải thiện, nhưng vẫn đâu vào đấy. Cuối học kì điểm số thấp, phụ huynh gọi cho tôi và nói tôi không đủ năng lực dạy học sinh, nên nghỉ việc đi” – chị Như nói.
Cũng theo chị Như, mức lương giáo viên khá thấp, áp lực từ công việc rất lớn nên nhiều khi chị cũng không thể vẹn toàn mọi việc. “Đã rất nhiều lần tôi muốn bỏ nghề vì không chịu nổi áp lực, nhưng vì tình yêu học trò tôi cố gắng bám trụ đến hôm nay” – chị Như bộc bạch.
“Trước những dư luận xã hội hiện nay về bạo hành trẻ em, vô tình làm ảnh hưởng chung đến tâm lý của các cô giáo mầm non. Giáo viên không chỉ chịu áp lực từ việc giảng dạy và giữ trẻ, mà còn bị áp lực bởi phải tạo tâm lý an tâm cho phụ huynh” – chị Lưu Mỹ Cầm, một giáo viên mầm non tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), chia sẻ.
Cần sự hợp tác và bảo vệ
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, đặc thù công việc như “làm dâu trăm họ”, vừa phải thật sự gương mẫu, vừa phải hoàn thành công việc và giúp phụ huynh an tâm. Tuy nhiên, để dạy dỗ học sinh nên người, giáo viên rất cần sự hợp tác từ phía phụ huynh.
“Nhiều khi phía phụ huynh nuông chiều con cháu quá mức nên khi vào trường học, chúng tôi rất khó để đưa các cháu vào nền nếp vì các cháu biết đã có gia đình chống lưng” – chị Phạm Thị Huỳnh Như nói.
Bày tỏ quan điểm đồng tình, phụ huynh Nguyễn Thu Thủy (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: “Thời của tôi, một lớp có vài chục học sinh. Có những bạn nghịch ngợm, thầy cô giáo bảo không nghe nên nhiều khi thầy cô stress mà lớn tiếng cũng là chuyện thường. Còn bây giờ một số phụ huynh vì chiều con quá mức, cứ nghe con mình bị la mắng, chưa rõ mọi việc đã trách giáo viên”.
Bên cạnh đó, việc phải luôn phải gồng lên để hạn chế thấp nhất sự phàn nàn, phản ánh, nặng hơn là khiếu kiện của phụ huynh, bị đăng tải lên mạng xã hội,… đã trở thành nỗi sợ mà nhiều giáo viên đang phải chấp nhận.
“Đặc thù nghề giáo khá nhạy cảm, thầy cô giáo cũng mong manh và dễ tổn thương trước sức ép của dư luận. Bản thân tôi và các đồng nghiệp thật sự mong muốn, kì vọng có những văn bản chính thức làm sao để tạo các quyền lợi hợp lý và chính đáng của giáo viên, giúp chúng tôi có điểm tựa, có niềm tin, để an tâm công tác” – chị Phạm Thị Huỳnh Như nói.
Nguồn: laodong.vn