Giáo dục, xin đừng đổi mới nửa vời

Nếu không khắc phục được tình trạng đổi mới nửa vời thì cải cách giáo dục, dù được yêu cầu và tạo điều kiện để đổi mới căn bản và toàn diện, cũng sẽ không về đích thành công.

Công cuộc đổi mới giáo dục 10 năm qua đã có những kết quả ban đầu nhưng cũng còn nhiều việc phải làm. Trong ảnh: cô trò Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2023 -Ảnh: NHƯ HÙNG

Công cuộc đổi mới giáo dục 10 năm qua đã có những kết quả ban đầu nhưng cũng còn nhiều việc phải làm. Trong ảnh: cô trò Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2023 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Năm nay đánh dấu 10 năm công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được chính thức khởi động, thông qua việc Ban Chấp hành Trung ương ra nghị quyết số 29 ngày 4-11-2013. Trong 10 năm, ngành giáo dục đã làm được gì trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện đó?

Về mặt tinh thần, điều đáng kể nhất là sự thay đổi từ tiếp cận nội dung của Chương trình giáo dục 2000 sang tiếp cận phát triển năng lực của Chương trình giáo dục 2018. Chỉ bốn chữ “phát triển năng lực” đó thôi cũng như một làn gió mới cho giáo dục, vì nó giúp người dạy và người học đi xa hơn những gì được viết trong sách giáo khoa. Nó giúp những người làm giáo dục trực tiếp trả lời câu hỏi “Học để làm gì?”.

Về mặt vật chất, điều đáng kể nhất là chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đã đi vào thực tế. Đến nay các bộ sách giáo khoa (SGK) đã xong cho hầu hết các khối lớp và sang năm sẽ phủ kín toàn bộ các bậc học.

Nhưng song song với hai kết quả trên là sự xuất hiện hiện tượng rất đáng lo ngại. Đó là tình trạng rập rình tiến thoái, lúng túng tư duy, nửa vời trong hành động, luôn phải chạy theo đối phó với dư luận và mạng xã hội trong đổi mới giáo dục.

Sự lúng túng trong tư duy, nửa vời trong hành động đang đe dọa những kết quả còn rất ít ỏi của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục khởi động từ 10 năm trước.

Nguy cơ “một chương trình, một bộ SGK”

Có thể chỉ ra ba ví dụ điển hình cho tình trạng nửa vời này như sau. Đầu tiên là xu hướng trở lại với “một chương trình, một bộ SGK” khi Bộ Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu phải biên soạn một bộ SGK riêng.

Nếu khởi động việc này sẽ lại mất thêm ít nhất là 5 năm để hoàn thiện bộ SGK. Cả ngành giáo dục lại sầm sập lao vào làm sách, tranh cãi về sách, mà chất lượng thì chưa chắc đã hơn các bộ SGK hiện hành, vì tất cả đều được viết dựa trên Chương trình giáo dục 2018.

Trước đây chỉ có “một chương trình, một bộ SGK” thì bị chất vấn là độc quyền SGK. Phải khó khăn lắm giáo dục mới chuyển mình thành “một chương trình, nhiều bộ SGK”, tạo tiền đề cho “nhiều chương trình, nhiều bộ SGK” để hội nhập với sự phát triển của giáo dục trên thế giới.

Đó là một bước tiến lớn trong nhận thức, cũng là điều kiện thực tế để các bộ SGK ngày càng tốt hơn, khi các nhà xuất bản phải cạnh tranh và các trường có nhiều lựa chọn SGK hơn thì theo quy luật, chất lượng SGK sẽ được cải thiện. Nói cách khác, có nhiều lựa chọn bao giờ cũng tốt hơn chỉ có một lựa chọn.

Vậy mà bỗng nhiên chủ trương “một chương trình, một bộ SGK” trước đây lại có nguy cơ quay trở lại, vì chúng ta có thể đưa ra nhận định rằng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn SGK riêng, các trường sẽ tự động chọn SGK của bộ để an toàn và tránh những phiền phức không đáng có.

Thời gian và nguồn lực đổ vào các bộ SGK hiện thời trong 5 năm qua coi như trôi sông trôi biển. Và lại tốn thêm ít nhất là 5 năm nữa để hoàn thành bộ SGK mới.

Đó là sự nửa vời thứ nhất trong đổi mới giáo dục cần phải tránh.

Tích hợp mà không tích hợp

Cần phải thừa nhận dạy học tích hợp là một chủ trương đúng. Đây cũng là cách mà các nền giáo dục tiên tiến sử dụng để tổ chức chương trình. Tuy nhiên, do các giáo viên ở bậc THCS và THPT hiện nay được đào tạo để dạy các môn học chuyên biệt, nên tuy chương trình được biên soạn theo hướng dạy học tích hợp, nhưng hầu hết các nhà trường đều triển khai theo cách chia môn học tích hợp thành các mô đun riêng và để cho các giáo viên chuyên từng môn dạy độc lập với nhau.

Ví dụ trong môn khoa học tự nhiên, thay vì dạy ba môn vật lý, hóa học, sinh học riêng như trước đây thì nay dạy thành ba mô đun có nội dung về vật lý, hóa học, sinh học riêng, thường là bởi ba giáo viên riêng, nhưng trong cùng một môn học.

Điều đặc biệt là SGK cũng lại cấu trúc theo hướng chia nội dung môn học tích hợp thành các mô đun chuyên ngành riêng, ít liên hệ hữu cơ với nhau. Việc ghép các mô đun đó vào cùng một môn học hoàn toàn mang tính cưỡng ghép cơ học, chứ không phải là tích hợp.

Nhà trường cũng theo đó mà triển khai, nên việc dạy học tích hợp rất đúng, rất hay về chủ trương lại thành ra nửa vời trong thực tế. Tuy là môn học tích hợp SGK không hoàn toàn tích hợp, thầy cũng dạy không tích hợp, trò cũng học không tích hợp, nên thành ra nửa vời.

Đó là sự nửa vời thứ hai.

Tổ hợp chết yểu

Thứ ba là việc lựa chọn các tổ hợp của bậc THPT đang diễn ra theo chiều hướng trái với mục tiêu hướng nghiệp ban đầu. Chương trình có quá nhiều lựa chọn, nhưng nguồn lực con người và cơ sở vật chất không đáp ứng được hết các lựa chọn này, nên việc chọn tổ hợp phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này tuy rất hay trên lý thuyết, nhưng lại nửa vời trên thực tế.

Do thiếu giáo viên có chuyên môn sâu, có thể dạy các chuyên đề của các môn thuộc nhóm công nghệ và nghệ thuật, nên hiện nay rất nhiều trường chỉ tập trung vào hai tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đa số học sinh cũng chọn hai tổ hợp này vì sẽ có nhiều lựa chọn cho việc học đại học sau này. Riêng ban công nghệ – nghệ thuật thì “liệu cơm gắp mắm”, nên có nguy cơ chết yểu.

Việc chọn tổ hợp phù hợp để hướng nghiệp vì thế suy thoái trở về gần giống như việc phân ban được triển khai thí điểm từ năm học 2003-2004 và triển khai toàn quốc từ năm học 2006-2007.

Sau gần 10 năm, việc triển khai chương trình phân ban ở bậc THPT đã thất bại trên thực tế và phải rút lui “không trống không kèn”. Nguyên nhân chính được cho là do mô hình cứng nhắc, không phù hợp với định hướng thi đại học của học sinh.

Nay triển khai Chương trình giáo dục 2018 ở bậc THPT, đâu đó lại thấp thoáng hình bóng phân ban của năm nào, nên nếu không kiên định với mục tiêu hướng nghiệp, đặc biệt là không lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT đúng, thì sẽ lại thất bại như việc phân ban trước đây, nhưng dưới một hình thức khác.

Trên đây là những ví dụ về tình trạng nửa vời trong đổi mới giáo dục hiện giờ. Nếu không khắc phục được tình trạng đổi mới nửa vời này thì cải cách giáo dục, dù được yêu cầu và tạo điều kiện để đổi mới căn bản và toàn diện, cũng sẽ không về đích thành công.

SGK chỉ là học liệu

Suy cho cùng SGK chỉ là học liệu, còn chương trình giáo dục mới là cốt lõi. Như các nước tiên tiến, bộ giáo dục và đào tạo chỉ cần ban hành và cập nhật chương trình giáo dục quốc gia để làm chuẩn. Các nhóm tác giả, các nhà xuất bản sẽ tự biên soạn SGK và trình lên để bộ phê duyệt. Vai trò quản lý nhà nước của bộ sẽ thể hiện mạnh mẽ và hiệu quả trong việc tổ chức thẩm định SGK, chứ không phải trong việc làm SGK.

Nguồn: tuoitre.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay