Học sinh không thể là đối tượng để kinh doanh

Là phụ huynh có ba con đang đi học, tôi phản đối đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bản tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 20-11 về đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Huy đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thu hút sự quan tâm của dư luận 

Ngược lại, Nhà nước cần tìm cách để ngăn chặn triệt để nạn dạy thêm, học thêm, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện.

Mọi trẻ em đều có quyền tiếp cận hệ thống giáo dục công của Nhà nước. Hệ thống này phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho các em có thể học nghề hay học đại học tùy vào năng lực.

So sánh khập khiễng

Trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 20-11, đại biểu Nguyễn Văn Huy phát biểu: “Nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng”.

Tôi cho rằng so sánh này là không chính xác và khập khiễng.

Nếu như người bệnh lựa chọn phòng khám tư thì đó là do họ có quyền được lựa chọn. Không ai ép buộc họ làm việc đó.

Còn ở các cơ sở dạy thêm của giáo viên, học sinh đến học vì muốn điểm cao cũng có mà lo sợ bị đối xử phân biệt trên lớp cũng nhiều. Trong mối quan hệ này, học sinh hoàn toàn lép vế và có thể bị chèn ép bằng nhiều hình thức.

Nếu kiến thức đã được dạy đầy đủ ở trên lớp, chắc chắn rất ít học sinh muốn đi học thêm. Các em đã quá áp lực ở trên lớp rồi.

Hiện tại, công tác xã hội hóa giáo dục đã lan rộng và phát triển rất nhiều. Các tổ chức tư nhân trong nước và thậm chí nước ngoài cung cấp dịch vụ giáo dục khi Nhà nước không đủ ngân sách để cho đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.

Những gia đình có điều kiện thường lựa chọn các trường này. Và một thực tế rõ ràng rằng học sinh các trường này, đặc biệt là các trường quốc tế, rất ít khi phải đi học thêm ở nhà thầy cô nào đó.

Cũng theo ông Huy: “Cán cân cung – cầu trong giáo dục là cơ hội cho giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao, sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến”.

Phải chăng tiền ít thì thường đi với chất lượng thấp? Nếu muốn tốt hơn thì phải bỏ thêm tiền? Nếu cho rằng giáo viên là ngành nghề có thu nhập thấp, tại sao Nhà nước không có chính sách cải thiện đời sống của họ mà đẩy trách nhiệm đó cho người dân?

Học, học và… chỉ có học

Học sinh tiểu học có 10 tiếng ở trên trường. Chiều 5h tan học, ăn vội ăn vàng rồi học ca tối. Cũng vẫn là những kiến thức của cấp I, các bài toán nhân chia cộng trừ, bài văn tả cảnh, sự vật, con người theo mẫu, chỉ khác là nội dung dạy sẽ giống với đề thi hơn.

Lên cấp II, các em phải học thêm nhiều hơn. Ba môn toán, văn, tiếng Anh là không thể thiếu, giờ có thêm lý, hóa, sinh. Ngoài học ở trường vào các buổi sáng (hoặc chiều) từ thứ hai đến thứ bảy, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo thu tiền thêm ba buổi. Mỗi học sinh học thêm ở nhà thầy cô ít nhất ba môn, mỗi môn hai buổi/tuần.

Như vậy các em mất thêm ít nhất sáu buổi trong thời gian còn lại ít ỏi của mình. Vậy thời gian đâu cho các em chơi thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, sum họp gia đình, khám phá những điều mới lạ ngoài cuộc sống?

Thế hệ chúng tôi không học thêm vẫn đậu vào hai, ba trường đại học. Vẫn đủ năng lực để làm việc trong các công ty nhà nước hoặc nước ngoài. Đến hiện tại, các con tôi từ nhỏ đến lớn, chưa bước tới lớp học thêm một buổi nào, vẫn có đứa có thể vào trường chuyên lớp chọn, có thể là học sinh giỏi. Còn đứa nào không đạt điểm số như kỳ vọng, tôi cũng thấy khá nhẹ nhàng.

Tất nhiên, đôi lúc các con cũng gặp khó khăn khi trong lớp các bạn đã học trước gần hết mà mình thì chưa biết gì.

Là một phụ huynh, tôi đề nghị cấm hẳn việc dạy thêm tại nhà và các cơ sở trá hình khác. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc giảng dạy trên lớp để đảm bảo chương trình học được truyền tải đầy đủ tới mọi trẻ em.

Học sinh, sinh viên của chúng ta học nhiều như thế, thời gian học gần như chiếm hết thời gian của một ngày, mà sao ra trường vẫn thất nghiệp, dòng người xuất khẩu lao động phổ thông vẫn ùn ùn sang nước ngoài.

Hãy nhìn các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Canada… Đất nước họ có tình trạng học sinh học ba, bốn ca một ngày như chúng ta không? Mà sao khoa học công nghệ của họ vẫn phát triển, kinh tế của họ vẫn đứng đầu thế giới?

Còn cha mẹ, những bậc phụ huynh, hãy bớt chạy theo điểm số, bớt bệnh thành tích để giảm tải cho con em mình. Nếu con thật sự có năng lực về học thuật, hãy để con tự đi trên đôi chân của mình.

Còn nếu con chỉ có thể làm một nghề ít đòi hỏi trí óc trong xã hội, hãy vui vẻ mà chấp nhận thực tế đó. Bởi vì, nếu tất cả làm thầy thì ai sẽ chịu làm thợ đây?

Hệ lụy của học thêm

Việc học thêm, dạy thêm tràn lan như hiện tại có một tác hại vô hình mà ít ai nhận thấy. Một đứa trẻ từ bé đến lớn, chỉ biết lặp lại những gì được giáo viên dạy, điểm cao, học bạ đẹp chỉ vì luôn luôn có người kèm cặp, thì lớn lên có lẽ cũng chỉ biết bảo sao làm vậy. Đứa trẻ đó bị triệt tiêu mọi ý thức tự học cũng như khả năng tự tìm kiếm nguồn trí thức vô tận của nhân loại.

Nguồn: Tuổi trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay