Người nào được đi làm trễ, về sớm?

Câu hỏi

Công ty quy định giờ làm việc bắt đầu từ 7h30, tôi luôn tuân thủ, song mỗi tháng đều có 1-2 ngày trễ rơi vào kỳ “đèn đỏ” do bản thân luôn kiệt sức những lúc này.

Công ty quy định checkin bằng vân tay, nếu hôm nào đi trễ sẽ bị hệ thống ghi nhận và cuối tháng bị trừ lương. Tôi không ngại bị trừ lương, nhưng việc bị ghi nhận “đi làm trễ” có thể khiến tôi bị đánh giá “thiếu tính kỷ luật trong công việc”.

Tôi tìm hiểu thì được biết, Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh thì có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, những trường hợp nào thì được quyền đi làm trễ, về sớm?

Công ty trừ lương của tôi vì lý do đi làm muộn vào ngày này thì có sai không? Tôi phải làm thế nào để công ty áp dụng đúng quy định của pháp luật, tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân viên chúng tôi?

Luật sư tư vấn

Pháp luật hiện hành quy định các trường hợp người lao động được hưởng thời gian nghỉ tính vào thời giờ làm việc như sau:

Lao động nữ trong thời gian “đèn đỏ”: Theo quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Số ngày có thời gian nghỉ trong những ngày này do hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) thỏa thuận, phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ, nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.

Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi: Theo quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động: Trên thực tế, trường hợp người lao động đi muộn, về sớm do bị ốm, có việc riêng đột xuất, tắc đường, hỏng xe… thì vẫn có thể được hưởng nguyên lương của ngày làm việc đó, nếu được người sử dụng lao động đồng ý.

Với những thông tin bạn cung cấp, chưa rõ vào những ngày checkin trễ bạn đã bị muộn bao nhiêu phút so với thời gian bắt đầu làm việc của công ty? Do vậy chúng tôi tư vấn theo 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1: nếu bạn đi trễ từ 30 phút trở xuống, thì thời gian đi trễ vẫn nằm trong khoảng thời gian được nghỉ. Tuy nhiên, bạn phải thông báo cho công ty biết về thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng trong thời gian “đèn đỏ”. Nếu bạn đã thông báo mà công ty vẫn ghi nhận “đi làm trễ”, đồng thời không có thỏa thuận rằng bạn không có nhu cầu nghỉ, thì trường hợp này công ty mới vi phạm.

Về chế tài xử lý trong trường hợp công ty có vi phạm: theo điểm d khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian “đèn đỏ” thì bị phạt tiền 10-20 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm), trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt là 20-40 triệu đồng. Đồng thời, người sử dụng lao động còn bị buộc phải trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian “đèn đỏ” theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 48, Điều 49 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người có thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Chánh thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong trường hợp này bạn nên thỏa thuận với công ty, đề nghị công ty trả một khoản tiền lương tương ứng với khoảng thời gian mà bạn đáng lẽ được nghỉ. Nếu công ty không đồng ý, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến một trong các cơ quan có thẩm quyền xử phạt nêu trên để được giải quyết.

Trường hợp 2: nếu bạn đi trễ hơn 30 phút, thì thời gian đi trễ đã vượt quá thời gian được phép nghỉ theo quy định của pháp luật. Trường hợp này công ty có quyền ghi nhận bạn đi làm trễ.

Tuy nhiên, việc công ty trừ lương khi nhân viên đi làm trễ là trái quy định của pháp luật. Bởi khoản 2 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 có quy định nghiêm cấm hành vi trừ lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động (khoản 1 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019).

Về chế tài xử lý, theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật thì có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng, tùy theo số lượng người lao động mà công ty đã vi phạm.

Luật sư Võ Đan Mạch

Công ty Luật TNHH MTV TA PHA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay