Công tác phí của người lao động có tính vào thu nhập chịu thuế?

Công ty A (Bắc Giang) có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất máy móc, thiết bị tự động hóa đồ gá JIG… Máy sản xuất tại công ty sẽ được vận chuyển sang bên khách hàng để lắp đặt và chạy máy. Công ty thường xuyên phải cử công nhân viên các bộ phận liên quan đi công tác tại các công ty khách hàng để lắp đặt và chạy máy.

Công ty có quy chế chi trả phí công tác cho người lao động sử dụng phương tiện xe ô tô riêng. Công ty sẽ hỗ trợ tiền hao mòn xe và tiền xăng của xe đó theo định mức của công ty quy định (tính theo số km xe đó di chuyển).

Công ty hỏi, khoản tiền người lao động nhận được từ trợ cấp công tác trên có phải tính thuế thu nhập cá nhân hay không ?

 

Cục Thuế tỉnh Bắc Giang trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công:

“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền;

… đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức

… đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

… đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chỉ áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…”.

Căn cứ Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

– Tại Tiết b Điểm 2.5 Khoản 2 Điều 6 (được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018) quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

“b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty”.

– Tại Điểm 28 Khoản 2 Điều 6 (được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015) quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

“2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp…”.

Căn cứ quy định, hướng dẫn nêu trên và nội dung công văn hỏi, trường hợp công ty có cử người lao động đi công tác tại các công ty khách hàng để hỗ trợ lắp đặt, chạy máy và có thanh toán khoản công tác phí cho người lao động. Nếu khoản thanh toán công tác phí trên phù hợp với mức khoán chi quy định tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty thì không phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động. Trường hợp công ty chi cho người lao động cao hơn mức khoán chi thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

Nguồn: chinhphu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Developed by Tiepthitute
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay