Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định mới về người thờ cúng liệt sĩ tại Khoản 6 Điều 28 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì người thờ cúng liệt sĩ có các trường hợp sau:
Trường hợp liệt sĩ còn thân nhân: Người được các thân nhân liệt sĩ ủy quyền (một trong các thân nhân hoặc người được các thân nhân thống nhất ủy quyền).
Trường hợp liệt sĩ chỉ còn con:
– Nếu có nhiều con, một người con được những người con còn lại ủy quyền.
– Nếu chỉ có một con/chỉ còn một con còn sống, người con này thờ cúng liệt sĩ (không phải làm văn bản ủy quyền).
– Nếu giao người khác, người được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người thờ cúng liệt sĩ do các con thống nhất ủy quyền.
Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân/chỉ còn một thân nhân duy nhất nhưng bị hạn chế/mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài/không xác định được nơi cư trú:
– Người được ông, bà nội; ông, bà ngoại; anh, chị, em ruột của liệt sĩ; cháu nội, cháu ngoại của liệt sĩ ủy quyền.
– Nếu những người này không còn thì cụ nội, cụ ngoại của liệt sĩ; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của liệt sĩ; cháu ruột liệt sĩ mà liệt sĩ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của liệt sĩ mà liệt sĩ là cụ nội, cụ ngoại ủy quyền.
Trường hợp không xác định được người ủy quyền thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với UBND cấp xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng. Nếu không xác định được xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng thì giao cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh để thực hiện nghi thức dâng hương liệt sĩ theo phong tục địa phương.
nguồn: chính phủ